Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản là giải pháp quan trọng nhằm khơi thông đầu ra, hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất. Bên cạnh những thị trường truyền thống thì thị trường Trung Đông và châu Phi đang được coi là “vùng đất hứa” cho nông sản Gia Lai.
Theo thông tin từ Sở Công thương, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, hoạt động xuất khẩu của tỉnh ngày càng được mở rộng, tăng trưởng về kim ngạch. Hiện các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, sản phẩm gỗ đã có mặt trên thị trường của gần 40 quốc gia. Đặc biệt, một số ngành hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Trong đó, cà phê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, trung bình đạt 200-300 triệu USD/năm.
  Nông sản của Gia Lai có cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu mới.  Ảnh: H.D
Nông sản của Gia Lai có cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu mới. Ảnh: H.D
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Hiện nay, vấn đề phát triển thị trường xuất khẩu nông sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Vẫn còn tình trạng nông sản được mùa mất giá và ngược lại. Tỉnh đã tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản cũng như tìm mọi cách để giúp người nông dân ổn định sản xuất. Toàn tỉnh hiện có gần 5.000 doanh nghiệp, trong đó, nhiều doanh nghiệp có bề dày kinh doanh sản xuất nhưng chủ yếu vẫn là thu mua nông sản rồi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tức là chúng ta vẫn chỉ là đại lý chứ chưa thu mua, xuất khẩu trực tiếp”.
Có một thị trường xuất khẩu nông sản mới mà lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng chưa mấy chú trọng là Trung Đông và châu Phi. Bà Phạm Xuân Trang-Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) cho biết: “Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên hầu hết các nước Trung Đông, châu Phi phải nhập khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm với số lượng rất lớn. Với những sản phẩm nông sản lợi thế, Gia Lai hoàn toàn có thể tham gia rất tốt vào thị trường này”.
Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của tỉnh và được coi là khá thức thời khi xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm như: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gạo, cơm dừa nạo sấy... đi các nước, trong đó có một số nước châu Phi. Ông Phạm Trung Thành-Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai-cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi đã được xuất khẩu đi nhiều nước ở khắp các châu lục. Đối với thị trường châu Phi, Công ty cũng đã chú trọng ngay từ thời điểm mới thành lập, nhất là ở các nước như Ai Cập, Algeria, Morocco, Senegal, Gambia, Nam Phi”.
Cũng theo ông Phạm Trung Thành, nông sản của Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng đều có thể xuất khẩu vào thị trường các nước này. Đây là thị trường rất tiềm năng, dễ tính, có nhu cầu rất cao đối với nhiều mặt hàng nông sản. Và nhu cầu này có tính ổn định, bền vững trong cả tương lai lâu dài. Về chất lượng, khu vực này không đòi hỏi cao, khắt khe như đối với các thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Do vậy, có thể coi đây là một trong những lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Gia Lai.
Tại hội thảo giới thiệu về thị trường Trung Đông và châu Phi do Bộ Công thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây tại TP. Pleiku, ông Abel Marcelino Viera Paxe-Bí thư thứ nhất Đại sứ quán nước Cộng hòa Angola tại Việt Nam-kêu gọi: “Chúng tôi có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Chúng tôi đánh giá cao chất lượng nông sản của Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng. Chúng tôi tin trong tương lai, chúng ta sẽ có sự hợp tác tốt trong lĩnh vực này”.
Có thể thấy, Trung Đông và châu Phi là thị trường xuất khẩu nông sản vô cùng tiềm năng. Vấn đề còn lại là sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường này.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.