Nguy cơ cắt giảm phụ tải điện trong tháng tới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tập đoàn điện lực VN cho biết hàng loạt nhà máy đã phải ngừng các tổ máy, giảm phát điện và nguy cơ phải cắt giảm phụ tải trong tháng 12 là rất lớn.

Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh
Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh



Trong khi Tập đoàn than - khoáng sản VN khẳng định đã cấp đủ than, thậm chí vượt hợp đồng cho các nhà máy nhiệt điện thì EVN lại “kêu” các nhà máy của họ thiếu đến 690.000 tấn than nên hàng loạt tổ máy phải ngưng hoạt động và nguy cơ tháng 12 phải cắt giảm phụ tải là rất rõ.

Nhiệt điện miền Bắc hoạt động cầm chừng

Trong báo cáo gửi đến cuộc họp do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hôm qua (28.11) về tháo gỡ nguồn than cho các nhà máy điện, Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết hàng loạt nhà máy đã phải ngừng các tổ máy, giảm phát điện và nguy cơ phải cắt giảm phụ tải trong tháng 12 là rất lớn.

Lý do EVN đưa ra là trong thời gian tháng 10, tháng 11, tình hình cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN không đảm bảo nhu cầu vận hành nên các nhà máy đã phải huy động than dự trữ trong kho xuống dưới mức cho phép. Thậm chí, một số nhà máy đã phải ngừng tổ máy do thiếu nhiên liệu.

Ngoài câu chuyện của Nhiệt điện Quảng Ninh phải ngừng 2 tổ máy như Thanh Niên đã phản ánh thì Nhiệt điện Nghi Sơn phải giảm công suất 2 tổ máy về mức tối thiểu từ ngày 22.11. Nhiệt điện Hải Phòng phải giảm công suất 4 tổ máy từ ngày 19.11 và đến ngày 22.11 phải ngừng hẳn 1 tổ máy. Nhiệt điện Thái Bình không thể huy động công suất do thiếu than ngày 3.11.

Theo tính toán của EVN, để đảm bảo có thể đáp ứng được yêu cầu phát điện cao trong tháng 12, các nhà máy nhiệt điện than của EVN cần tổng cộng 3,08 triệu tấn than, trong đó than antraxit sản xuất trong nước là 2,55 triệu tấn. Tuy nhiên, theo kế hoạch, tổng khối lượng than của Tập đoàn than - khoáng sản VN (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cấp cho các nhà máy của EVN trong tháng 12 chỉ là 2,05 triệu tấn (TKV cấp 1,6 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc cấp 450.000 tấn), thấp hơn so với nhu cầu 500.000 tấn.

“Tổng khối lượng than TKV cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN trong năm 2018 là 17,82 triệu tấn, thấp hơn so với khối lượng than còn lại theo hợp đồng đã ký là 690.000 tấn. Nếu TKV tiếp tục cung cấp than thấp hơn so với nhu cầu của các nhà máy than thì khả năng hệ thống điện phải cắt giảm phụ tải trong tháng 12 là rất lớn do không còn các nguồn khác để huy động”, đại diện EVN cho hay.

TKV: Đã cấp đủ, thậm chí vượt hợp đồng


Thế nhưng, trong buổi gặp gỡ báo chí vào chiều qua (28.11), lãnh đạo TKV lại khẳng định, việc thực hiện cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đúng theo hợp đồng.

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc TKV, cho biết kết quả than tiêu thụ 11 tháng của TKV đạt 37,39 triệu tấn, bằng 103,9% kế hoạch và bằng 117% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thực hiện cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện trong 11 tháng năm 2018 của TKV đạt 26,9 triệu tấn, vượt kế hoạch cả năm (103%) và bằng 126% so với cùng kỳ năm 2017.

“Đến nay, TKV đã hoàn thành kế hoạch tiêu thụ năm 2018. Đối với than cung cấp cho sản xuất điện, TKV thực hiện theo đúng các hợp đồng đã ký kết với các nhà máy điện”, thông báo của TKV nhấn mạnh.

Lãnh đạo TKV cũng than phiền rằng việc nhiều nhà máy nhiệt điện mấy năm qua không lấy hết than theo đăng ký, trong khi năm nay lại lấy dư thêm nên rất khó khăn cho TKV cân đối, nhất là để tránh tồn kho. Ông Trung dẫn chứng, năm 2015 số đăng ký là 24,7 triệu tấn thì đến cuối năm chỉ mua 23,5 triệu tấn, đạt 95%. Năm 2016 ký hợp đồng 29,2 triệu tấn nhưng thực hiện chỉ đạt 89%. Trong khi đó, đến thời điểm này của năm 2018, TKV đã cung cấp cho các nhà máy điện 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu so với thực hiện 2017.

Tuy nhiên, để tiếp tục cung ứng than cho các nhà máy điện, TKV khẳng định sẽ huy động tối đa tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược; khẩn trương nhập khẩu (trên 0,5 triệu tấn than các loại) để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ, trong đó đặc biệt là Nhiệt điện Thái Bình 1.


Đối với câu chuyện Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc TKV, cho hay nếu đối chiếu theo hợp đồng thì TKV cũng không cung cấp thiếu than. Cụ thể, đến ngày 27.11, TKV đã cung cấp 2,605 triệu tấn than cho Nhiệt điện Quảng Ninh, trong khi hợp đồng cả năm 2018 là nhà máy mua 2,6 triệu tấn nên TKV đã “hoàn thành khối lượng hợp đồng đã ký”.


Tuy nhiên, do gần đây nhà máy được tăng huy động nên nhu cầu than tăng thêm. “Phần tăng thêm, TKV và Tập đoàn điện lực EVN đã bàn bạc thống nhất để trong tháng 12 sẽ cấp tiếp khoảng 200.000 tấn, nâng tổng sản lượng cả năm 2018 là 2,83 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2017”, ông Trung nói.

Khi được hỏi vì sao việc cấp thêm than cho các nhà máy nằm ngay trên mỏ than lớn nhất nước mà vẫn khó khăn, ông Trung cho rằng thông thường theo hợp đồng có ghi rõ nguồn than, như với Nhiệt điện Quảng Ninh là vận chuyển bằng băng tải từ mỏ Hòn Gai. “Nếu với các nhà máy khác, gần cảng, bến thủy thì chúng tôi có thể tăng huy động từ các nguồn khác. Dù vậy, tới đây, chúng tôi sẽ huy động tối đa mỏ Hòn Gai để cấp cho nhà máy này”, ông Trung nói thêm.

Chí Hiếu (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.