Gia Lai: Tín hiệu lạc quan từ xuất khẩu rau quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đã đóng góp hàng chục triệu USD vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai. Đây là tín hiệu lạc quan cho ngành xuất khẩu rau quả.
Ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Do giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực liên tục biến động theo chiều hướng bất lợi nên hoạt động xuất khẩu thời gian qua gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh có tăng nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, một tín hiệu lạc quan đối với ngành xuất khẩu của tỉnh ta là sản lượng xuất khẩu rau quả gần đây tăng mạnh. Rau quả cũng đang là mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng rất lớn của tỉnh. Việc đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sẽ góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu, từ đó thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
 Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu được ưa chuộng.              Ảnh: Lê Lan
Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu được ưa chuộng. Ảnh: Lê Lan
Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả hiện nay. Ngoài hàng ngàn héc ta cây trồng trên địa bàn tỉnh, Công ty còn có vùng nguyên liệu trái cây rộng lớn ở Lào và Campuchia với đủ loại như: chuối, thanh long, xoài, chanh dây, khoai lang, ớt..., chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc. Trong 8 tháng năm 2018, Công ty đóng góp trên 28 triệu USD vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Trong 9 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 350 triệu USD, tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 74,57% so với kế hoạch. Trong đó, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 168.400 tấn (tương đương 300,33 triệu USD); mủ cao su 1.810 tấn (tương đương 2,85 triệu USD); mì lát 17.000 tấn (tương đương 4,01 triệu USD); sản phẩm gỗ 3,87 triệu USD…

Đặc biệt, lĩnh vực xuất khẩu rau quả của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng và nâng cao, không đơn thuần là sản phẩm thô mà hướng tới các sản phẩm được chế biến sâu. Ông Nguyễn Thanh Tùng-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, Giám đốc Ban Quản lý dự án DOVECO Gia Lai-cho biết: “Công ty đang trồng và liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh trồng hơn 8.000 ha rau quả. Dự kiến, tháng 11-2018, Nhà máy Chế biến rau quả DOVECO sẽ chính thức đi vào hoạt động. Trong đó, các sản phẩm đầu tiên sẽ là nước ép chanh dây, dứa, mãng cầu xiêm, xoài…”. Theo quy mô thiết kế, dự án Nhà máy Chế biến rau quả DOVECO Gia Lai có công suất lên đến 30.000 tấn rau củ quả/năm với các sản phẩm như: nước ép trái cây cô đặc, rau quả đông lạnh và đóng hộp… Những sản phẩm này sẽ được xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Israel và các nước Tây Âu. Đây là những thị trường lớn và có nhiều tiềm năng, hứa hẹn sẽ thu về nguồn ngoại tệ đáng kể, góp phần tăng thêm kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lên khoảng 40-50 triệu USD mỗi năm.
Việc nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu rau quả trong thời gian gần đây đã tạo nên bức tranh đa màu sắc cho thị trường xuất khẩu của tỉnh. Không chỉ thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, hoạt động xuất khẩu rau quả còn mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.