Ảnh hưởng kép từ tăng giá xăng dầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, đồng thời là yếu tố đầu vào quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Do đó, việc tăng giá xăng, dầu liên tục trong thời gian qua và nhất là thời điểm tăng thuế môi trường kịch khung đối với xăng, dầu sắp đến sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn”-ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương-nhận định.
Áp lực “cõng” thêm chi phí nhiên liệu
Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu liên tục điều chỉnh tăng. Trong đó, đợt điều chỉnh mới nhất (ngày 6-10) đã đẩy giá xăng, dầu lên mức kỷ lục (tại khu vực II, xăng A95-IV có giá 22.930 đồng/lít, xăng A95-III: 22.780 đồng/lít; dầu diesel 0,001S-V: 19.080 đồng/lít, dầu diesel 0,005S-II: 18.980 đồng/lít). Giá xăng, dầu tăng đã tác động rất lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Theo ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh tiêu thụ một lượng xăng, dầu khá lớn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, theo thống kê của Sở Công thương, năm 2017, toàn tỉnh tiêu thụ trên 322.600 m3 xăng, dầu (tương đương trên 5.000 tỷ đồng), lượng xăng và dầu tiêu thụ xấp xỉ nhau, gần 155.300 m3 xăng và trên 167.300 m3 dầu; dự kiến năm 2018 sẽ tiêu thụ khoảng 348.400 m3 xăng, dầu (trong đó xăng khoảng 177.600 m3 và dầu khoảng 170.800 m3, tương đương trên 6.300 tỷ đồng).
  Giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải và đời sống người dân. Ảnh: L.L
Giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải và đời sống người dân. Ảnh: L.L
Theo biểu đồ giá xăng năm 2017 thì giá thấp nhất là 16.069 đồng/lít, giá cao nhất 18.580 đồng/lít. Trong khi đó, từ đầu năm 2018 đến nay, giá xăng thấp nhất cũng đã 19.890 đồng/lít và cao nhất là 22.930 đồng/lít. Sự chênh lệch giá xăng giữa 2 năm là rất lớn (từ 3.800 đồng/lít đến 4.300 đồng/lít). Giá mặt hàng dầu còn chênh lệch cao hơn so với giá xăng bởi giá dầu năm 2017 chỉ dao động 12.820-13.500 đồng/lít nhưng năm 2018, mức cao nhất lên đến 19.080 đồng/lít. Kể từ ngày 1-1-2019, nếu cộng với mức thuế môi trường tăng thêm đối với xăng (1.000 đồng/lít) và với dầu (500 đồng/lít) thì số tiền doanh nghiệp, người dân phải “cõng” thêm càng tăng. Áp lực chi phí nhiên liệu tăng thêm không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn mà ngay cả người dân cũng lo lắng bởi thị trường giá cả sẽ bị tác động tăng theo.
Ông Nguyễn Văn Hải-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông Chiến Thắng-chia sẻ: “Hiện đơn vị có trên 120 đầu xe, mỗi năm tiêu thụ 1,2-1,6 triệu lít dầu. Giá nhiên liệu tăng dẫn đến giá thành sản phẩm của đơn vị tăng lên. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi nếu không tăng giá bán sẽ khó bù chi phí nhiên liệu tăng thêm nhưng nếu tăng giá sẽ rất khó cạnh tranh, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh”.
Còn với người tiêu dùng, khi giá xăng tăng, họ chỉ còn cách “thắt lưng buộc bụng”. Anh Phạm Văn Bằng (đường Trường Chinh, TP. Pleiku) than vãn: “Giá xăng tăng đến chóng mặt, mới thấy 18.000-19.000 đồng/lít mà vèo lên gần 23.000 đồng/lít. Đổ một bình xăng cho ô tô giờ tốn cả triệu bạc, vậy nên chỉ khi trời mưa hoặc cần thiết tôi mới đi ô tô, còn không chạy xe máy cho tiết kiệm”. Trong khi đó, ông Thuưi (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) cho biết: “Trước đây, mỗi tuần, tôi đổ khoảng 100.000 đồng tiền xăng là đủ đi lại. Giờ giá xăng tăng cũng đổ chừng đó tiền nhưng chỉ đi được 4-5 ngày. Kinh tế khó khăn mà cái gì cũng tăng giá”.
Lo ngại tăng giá cuối năm
Kinh doanh vận tải bằng taxi là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất khi giá xăng tăng. Ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên taxi Mai Linh Gia Lai-cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá xăng nhiều lần điều chỉnh tăng, thế nhưng giá cước taxi vẫn giữ bình ổn. Tuy nhiên, với lần điều chỉnh ngày 6-10, giá xăng tăng kỷ lục (tăng khoảng 2.700 đồng/lít so với đầu năm) buộc chúng tôi phải tính đến phương án tăng giá cước. Dự kiến giá cước taxi sẽ tăng thêm 500-700 đồng/km và sẽ triển khai vào cuối tháng 10-2018”.
Người tiêu dùng lo lắng vì giá xăng tăng. Ảnh: L.L
Người tiêu dùng lo lắng vì giá xăng tăng. Ảnh: L.L
Bên cạnh đó, một số đơn vị vận tải hành khách cũng đã rục rịch tăng giá cước để bù vào chi phí nhiên liệu do giá xăng, dầu tăng. “Trước đây, giá cước xe từ Pleiku đi thị xã Ayun Pa là 53.000 đồng/vé, nay đã tăng lên 60.000 đồng/vé”-ông Phạm Văn Đức-tài xế nhà xe Tấn Tài-cho biết. Riêng đối với doanh nghiệp vận tải khách đường dài, thời gian áp dụng sẽ chậm hơn. Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Gia Lai-cho hay: “Mặc dù giá dầu tăng mạnh nhưng vì đang là mùa thấp điểm nên chúng tôi vẫn cố “gồng gánh” giữ mức giá cũ để đảm bảo lượng khách hàng. Song đến cuối tháng 11-2018, chúng tôi sẽ áp dụng phương án tăng giá mới (mức tăng 5%-7%)”.
Không chỉ lĩnh vực vận tải, các ngành sản xuất kinh doanh khác cũng bị ảnh hưởng. “Gia Lai chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhu cầu xăng, dầu phục vụ ngành này rất lớn, từ vận chuyển vật tư, phân bón, bơm tưới nước cho đến vận chuyển nông sản đi bán… Do đó, khi giá xăng, dầu tăng, chi phí vận chuyển cũng sẽ tăng. Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng theo dẫn đến khó tiêu thụ, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Ngoài ra, các ngành khác như công nghiệp, dịch vụ… cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi xăng, dầu đều tính vào chi phí đầu vào”-Giám đốc Sở Công thương lý giải.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến thời điểm tăng thuế môi trường đối với xăng, dầu lên kịch khung. Việc giá xăng, dầu tăng lên mức kỷ lục vừa qua dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường giá cả cuối năm. “Gia Lai không có nhiều đơn vị tham gia sản xuất hàng tiêu dùng, chủ yếu là vận chuyển từ nơi khác đến. Khi giá cước tăng sẽ tác động đến thị trường giá cả, lo ngại nhất là thời điểm cuối năm, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá…”-ông Bùi Khắc Quang cho biết.
 Lê Lan

Có thể bạn quan tâm