Thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau một thời gian dài vận động, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Gia Lai đã chính thức thành lập. Đây được xem là bước đi đột phá đánh dấu sự nỗ lực của ngành Công thương, sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân liên quan nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
    Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thành lập sẽ góp phần bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.   Ảnh: L.L
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thành lập sẽ góp phần bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.L
Là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương-cho rằng: Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Vấn đề này không chỉ tồn tại ở một ngành, một lĩnh vực mà lan rộng khắp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và có mặt khắp mọi nơi. Trong khi đó, trình độ hiểu biết về hàng tiêu dùng của người dân còn hạn chế nên nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh gian dối… “Vì thế, việc thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hết sức cần thiết, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Sở Công thương đã kiến nghị với UBND tỉnh về việc thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 27-4-2018. Song song với đó, Ban vận động thành lập Hội cũng đã vận động được hơn 70 tổ chức, cá nhân tham gia, đủ điều kiện để tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2018-2023”-ông Quang nhấn mạnh.
Hôm nay (13-9), Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Gia Lai tổ chức đại hội để bầu Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra. Trụ sở của Hội được đặt tại Công sở Liên cơ quan tỉnh (số 17 Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku).

Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm và được tuyên truyền rộng rãi nhưng vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa nhận biết đầy đủ quyền lợi chính đáng của mình được pháp luật bảo vệ. Thậm chí, một số trường hợp ngại va chạm nên khi gặp vấn đề đã không khiếu nại. Việt Nam hiện có Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; một số tỉnh, thành phố lớn cũng đã thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động rất hiệu quả. Do đó, khi Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh ta thành lập, người dân rất đồng tình ủng hộ. Bà Trương Bích Chi (đường Nguyễn Trung Thành, TP. Pleiku) phấn khởi: “Tôi từng rất bức xúc khi mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả nhưng chẳng biết khiếu nại thế nào. Nhưng nếu bây giờ gặp phải, chắc chắn tôi sẽ nhờ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh bảo vệ cho mình”. Còn theo ông Bùi Quốc Bình-Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku, tham gia Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp đơn vị sâu sát hơn trong việc tiếp cận khách hàng. Thông qua đó, đơn vị sẽ nắm bắt rõ hơn tình hình, nhất là khi có kiến nghị từ khách hàng. Đây cũng là cơ sở để đơn vị làm việc với các nhà cung cấp, nhà sản xuất nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Không chỉ vậy, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn có chức năng hỗ trợ, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong trường hợp bị đối thủ giả mạo sản phẩm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Bởi vậy, theo ông Bùi Khắc Quang, việc thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ đơn thuần là đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng mà còn thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao kỹ năng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng cho họ.
Với vai trò là thành viên Ban vận động thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đăng ký là thành viên của Hội khi được hình thành, ông Nguyễn Tấn Thành-nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương-chia sẻ: Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh là tổ chức xã hội tự nguyện của các cá nhân, tổ chức quan tâm, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tỉnh. Hội hoạt động không vì lợi nhuận mà với mục đích đoàn kết giúp đỡ, hỗ trợ hội viên và người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; góp phần tăng cường nhận thức cộng đồng trong việc tuân thủ pháp luật, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. “Với lòng nhiệt huyết và khả năng của mình, tôi mong muốn đóng góp một phần vào công tác xây dựng Hội; phát huy hiệu quả hoạt động của Hội nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”-ông Thành tâm sự.
Cũng theo ông Thành, nhiệm vụ trọng tâm của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là đoàn kết, tập hợp hội viên nhằm đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tỉnh, làm cho Hội thực sự là nơi tiếp nhận thông tin, nguyện vọng của người tiêu dùng. Hội cũng sẽ tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức và phối hợp tổ chức các hội thảo phổ biến kiến thức về chống hàng giả, hàng kém chất lượng cho hội viên và người tiêu dùng; vận động người dân tích cực tham gia cùng các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.