Vì sao xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm mạnh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có 2 lý do, giá gạo Việt Nam tăng cao và các nước khác đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Nên trong nửa đầu năm 2018, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm đến 27,4% về khối lượng.  
Gạo Việt ít phụ thuộc vào Trung Quốc nhờ đa dạng hóa thị trường CÔNG HÂN
Gạo Việt ít phụ thuộc vào Trung Quốc nhờ đa dạng hóa thị trường. CÔNG HÂN
Lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 892.000 tấn, trị giá gần 475 triệu USD; chiếm gần 27% thị phần gạo xuất khẩu của Việt Nam. Cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc nhập tới 1,2 triệu tấn gạo, chiếm tới 43% thị phần của Việt Nam.
Nguyên nhân xuất khẩu sang Trung Quốc giảm chính là việc giá gạo Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ và so với gạo cùng phẩm cấp của các nước. Cụ thể giá gạo bình quân đạt 508 USD/tấn, tăng 14,2% so với 6 tháng đầu năm 2017. Giá gạo Việt Nam tăng do chất lượng được cải thiện và thừa nhận rộng rãi trên thị trường. Bằng chứng là xuất khẩu sang Indonesia tăng gấp 60 lần, Iraq tăng 2,5 lần, Malaysia tăng 2,1 lần, Philippines tăng 776%, Hồng Kông tăng 49%...
Mới đây, doanh nghiệp Việt Nam còn vượt qua các đối thủ đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc để giành được hợp đồng xuất khẩu 60.000 tấn gạo japonica và 2.800 tấn gạo trắng hạt dài sang Hàn Quốc - thị trường nằm trong danh sách khó tính. Chính các quan chức ngành gạo Thái Lan cũng phải thừa nhận chất lượng hạt gạo Việt Nam đang tăng.
Nhờ sự tăng trưởng ở các thị trường khác nên xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt gần 4 triệu tấn, tương đương 2 tỉ USD, tăng 12% về lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ 2017.
Về mặt khách quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc giảm còn do các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar đẩy mạnh xuất vào thị trường này. Thông tin từ Myanmar, trong tháng 4 và 5 nước này đã xuất khẩu đến khoảng 2 triệu tấn gạo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Nước này cũng đang xúc tiến bán thêm 1 triệu tấn gạo bằng đường chính ngạch qua hợp tác với chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Mới đây, Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ với Thái Lan về việc mua ít nhất 10.000 tấn gạo Kor Khor 43 và sẽ bán tại Trung Quốc theo kênh truyền thống và trực tuyến. Bên cạnh đó, Trung Quốc cấp phép nhập khẩu gạo từ 14 công ty của Ấn Độ.
Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang tăng nhập khẩu gạo để tăng dự trữ nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Chí Nhân (Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.