Gia Lai: Cần giải pháp đột phá để tăng kim ngạch xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2017. Để kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 470 triệu USD theo kế hoạch, cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần có nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Theo thông tin từ Sở Công thương Gia Lai, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay là 240,3 triệu USD, đạt 51,12% kế hoạch, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, mặt hàng cà phê đạt 119.000 tấn/210,22 triệu USD, tăng 12,92% về lượng nhưng lại giảm 2,2% về giá trị; mì lát đạt 19.600 tấn/4,25 triệu USD, giảm 59,52% về lượng và giảm 50,05% về giá trị; các mặt hàng khác đạt 21,29 triệu USD, giảm 34,79% so cùng kỳ năm 2017.

 

Nâng cao chất lượng là cách tốt nhất để tăng giá trị các sản phẩm nông sản trên thị trường thế giới.                                                                                                  Ảnh: H.D
Nâng cao chất lượng là cách tốt nhất để tăng giá trị các sản phẩm nông sản trên thị trường thế giới. Ảnh: H.D

“Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2017 là do giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su, tiêu hạt, mì lát giảm. Cụ thể, giá cà phê thu mua nội địa hiện ở mức 35.000-36.000 đồng/kg, giá xuất khẩu bình quân 1.770 USD/tấn, giảm 12,9% so với năm trước. Vì vậy, mặc dù khối lượng cà phê xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch mặt hàng này giảm nhiều. Giá cao su xuất khẩu cũng giảm hơn 30%, bình quân chỉ 1.600 USD/tấn, trong khi giá cùng thời điểm năm 2017 là 2.371 USD/tấn. Còn mì lát, mặc dù giá tăng gần 16% nhưng khối lượng và kim ngạch mặt hàng này đều giảm bởi nguồn cung cho xuất khẩu hạn chế”-ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công thương) cho biết.  Được biết, riêng mặt hàng mì lát, khối lượng nhập khẩu từ Campuchia giảm hơn 61% so cùng kỳ năm 2017, trong khi nguồn hàng trong nước lại phục vụ chủ yếu cho các nhà máy chế biến Ethanol để pha xăng E5.

Năm 2018, theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 470 triệu USD, tăng 4,4% so với năm 2017. Với tình hình thực tế những tháng đầu năm như đã nói ở trên, để đạt mục tiêu đó, từ nay đến cuối năm, cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các doanh nghiệp đều cần có nhiều giải pháp mang tính đột phá. Theo thống kê, Gia Lai có hơn 90.000 ha cà phê song hiện có rất nhiều diện tích đang bước vào giai đoạn già cỗi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường hướng dẫn người dân tập trung tái canh, ghép cải tạo diện tích cà phê già cỗi nhằm vực dậy năng suất, chất lượng của loại cây trồng chủ lực này. Với mặt hàng mì, cần có quy hoạch vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp chế biến trong nước, đồng thời phục vụ xuất khẩu.

Việc định hướng phát triển sản xuất hồ tiêu phù hợp với quy hoạch của tỉnh trong từng thời kỳ là vấn đề vô cùng quan trọng. Sự phát triển “nóng” cây hồ tiêu như thời gian qua đã dẫn đến nhiều hệ lụy như phá vỡ quy hoạch về cơ cấu cây trồng, trồng hồ tiêu ở nhiều vùng đất không thích hợp, sử dụng nhiều giống không rõ nguồn gốc... Vì vậy, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn héc-ta hồ tiêu bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân và làm giảm chất lượng hồ tiêu của tỉnh. Chưa kể khi nguồn cung hồ tiêu quá lớn sẽ làm giá mặt hàng này giảm mạnh. Nhận định về chất lượng hồ tiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải xem xét tại sao hồ tiêu Campuchia xuất khẩu trên 15 USD/kg mà ta chỉ có 5 USD/kg. Là vì người ta sản xuất toàn bộ là hữu cơ. Còn chúng ta sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, chưa khai thác được tiềm năng, chưa xây dựng được chiến lược của các mặt hàng. Từ nay, chúng ta phải tính ngay bài toán này”.

Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công thương) Nguyễn Tấn Lực đánh giá: “Cơ quan chức năng hàng năm vẫn có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về xuất khẩu như tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên tổ chức mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trong nước và quốc tế để đảm bảo uy tín của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu. Các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm, phát triển các thị trường mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp, tránh lệ thuộc vào các thị trường truyền thống nhằm giảm thiểu rủi ro”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.