Mỹ là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nền kinh tế lớn nhất thế giới được chấm điểm cao về đầu tư nước ngoài, kinh tế nội địa và cơ sở vật chất phục vụ khoa học.

Thành phố New York (Mỹ) nhìn từ trên cao. Ảnh: Bloomberg
Thành phố New York (Mỹ) nhìn từ trên cao. Ảnh: Bloomberg



 Viện Quản lý phát triển (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ vừa công bố bảng xếp hạng thường niên 63 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2018. Năm nay, Mỹ đã chiếm ngôi Hong Kong để dẫn đầu, nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh và môi trường khuyến khích khoa học, sáng tạo công nghệ.

Đây là lần đầu tiên Mỹ lấy lại ngôi vị số một kể từ năm 2015. Năm nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới được chấm điểm cao về đầu tư nước ngoài, kinh tế nội địa và cơ sở vật chất phục vụ khoa học. Trong khi đó, tài chính công và giá cả chỉ được đánh giá dưới trung bình.

Vị trí này phản ánh khá chính xác tốc độ tăng trưởng của Mỹ năm qua. Trong 4 quý tính đến hết tháng 3, GDP nước này tăng bình quân 2,9%. Cùng kỳ năm trước đó, con số này chỉ là 2%.

 Hong Kong (Trung Quốc) đứng nhì danh sách của IMD năm nay. Nền kinh tế này được điểm cao nhất về các tiêu chí hiệu quả doanh nghiệp và chính quyền. Singapore đứng thứ ba, vẫn giữ nguyên vị trí từ năm ngoái.

Hai cái tên cuối cùng trong top 5 là Hà Lan và Thụy Sĩ. Trong khi Hà Lan tăng một bậc, Thụy Sĩ lại tụt ba bậc vì xuất khẩu giảm sút và lo ngại về khả năng nước này sắp xếp lại các cơ sở nghiên cứu.  

Nền kinh tế có kết quả ấn tượng nhất là Áo, khi tăng 7 bậc lên vị trí 18. Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhì thế giới cũng tăng 5 bậc năm nay, lên thứ 13, nhờ đầu tư vào cơ sở vật chất và điều chỉnh chính sách để cải thiện hoạt động.

Các nước Bắc Âu tiếp tục có thành tích tốt năm nay. Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển nằm trong top 10 nền kinh tế dẫn đầu. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là đại diện duy nhất của Trung Đông trong top 10.

Venezuela đứng cuối bảng xếp hạng. Trên Venezuela một bậc là Mông Cổ. Brazil có cải thiện về tăng trưởng và việc làm, nhưng vẫn đứng thứ 60.

IMD sử dụng 258 chỉ số về kinh tế, hiệu suất chính quyền, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng để đánh giá mức độ cạnh tranh của các nền kinh tế. Họ gán hệ số gấp đôi cho các dữ liệu cứng (có số liệu cụ thể) như thương mại so với các dữ liệu mềm. Tổ chức này đã công bố báo cáo thường niên từ năm 1989. Trong danh sách các nước được đánh giá không có Việt Nam. 

Hà Thu (theo Bloomberg/VNE)

Có thể bạn quan tâm