Cà phê hữu cơ: Giã từ "đen-đắng-đặc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiêu chuẩn “Đen-đắng-đặc” của cà phê “đúng chuẩn” lâu nay (còn được tín đồ cà phê gọi tắt là 3D) đang bị đánh bật bởi những giá trị thật sự của cà phê organic-cà phê hữu cơ.

“Dịch chuyển” theo gu thưởng thức của khách hàng, hiện trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện khá nhiều quán cà phê rang xay nguyên chất. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là những quán có nguyên liệu là cà phê được canh tác theo hướng hữu cơ.

 

Vườn cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Cà phê HD Gia Lai tại xã Ia Nhin (huyện Chư Pah). Ảnh: L.N
Vườn cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Cà phê HD Gia Lai tại xã Ia Nhin (huyện Chư Pah). Ảnh: L.N

Ông Đoàn Nguyên Lộc, chủ quán cà phê Ia Drang (ki-ốt Hoàng Anh Gia Lai, 01 Phù Đổng, TP. Pleiku) phân tích: Cà phê hữu cơ, hiểu nôm na là cà phê sạch, thì phải đảm bảo sạch ở cả 2 công đoạn: Trồng và chế biến. Trồng thì không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu; chế biến thì không sử dụng các loại phụ gia, hóa chất độc hại, chú trọng việc giữ lại hương vị tự nhiên, thuần chất của cà phê. Hiện ông có 28 ha cà phê tại xã Gào (TP. Pleiku) được trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Ngoài trồng cà phê, trang trại Ia Drang của ông còn nuôi gà, heo lấy phân bón cho cà phê.

Từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku, ông Đoàn Nguyên Lộc hiểu rất rõ tác hại của những chất độc hại trong thực phẩm đối với sức khỏe, do đó làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ là lựa chọn của ông suốt nhiều năm nay. Cà phê tại trang trại của ông chỉ thu hoạch khi đã đạt độ chín 95%, mỗi năm thu khoảng 50 tấn hạt. Khách đến cà phê Ia Drang sẽ được thưởng thức 3 loại cà phê: Robusta, Arabica, Liberia với hương vị đậm đà riêng có, thứ cà phê nguyên chất hấp dẫn có màu nâu cánh gián chứ không đen kịt, vị đắng rất dễ chịu chứ không phải là đắng ngắt và không có độ sánh dẻo mà một số người từng cho rằng “vậy mới ngon”.

Nhiều người trẻ hiện nay cũng tìm thấy niềm đam mê đối với việc sản xuất, kinh doanh cà phê hữu cơ. Một trong số đó là Nguyễn Hữu Duy, 30 tuổi, chủ thương hiệu cà phê hữu cơ HD Gia Lai. Đến quán HD Gia Lai vừa khai trương cách đây gần 1 tháng tại số 01 Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku), nhiều người lầm tưởng chủ quán vừa “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường này. Nhưng thực chất, Duy đã là chủ của 3 quán cà phê HD Gia Lai, trừ địa điểm vừa ra mắt còn có một quán ở 152A Hai Bà Trưng (TP. Pleiku), khai trương năm 2014 và một cơ sở ở 119 Cống Quỳnh, quận 1 (TP. Hồ Chí Minh), đi vào kinh doanh từ năm 2016.

Trò chuyện cùng P.V, Duy cho biết, gia đình anh có “truyền thống” 30 năm trồng cà phê. Thấy ba mẹ gắn bó với cà phê mấy chục năm trời mà chẳng dư dả gì, tháng 7-2013, Duy quyết định rời Sài thành trở về Gia Lai sau nhiều năm tìm kiếm cơ hội ở vùng đất sôi động nhất cả nước với mong muốn mang lại giá trị lớn hơn cho hạt cà phê, giúp gia đình và những người xung quanh sống tốt với nghề. Đây là thời điểm ngành cà phê đang có sự cạnh tranh khốc liệt, không dễ khẳng định mình. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Duy quyết định đầu tư theo hướng sản xuất cà phê sạch bằng mô hình liên kết nông hộ bền vững, 100% không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hạn chế phân bón hóa học, cà phê chỉ thu hoạch khi đã đạt độ chín 85-90%, được phơi cách sàn bằng bạt ni lông chống thấm. “Cà phê thì cũng là một loại trái cây, sản xuất, chế biến thế nào để vẫn giữ được hương vị tự nhiên, nguyên bản là điều rất quan trọng”-Duy nêu quan điểm.

Để thuyết phục các hộ lân cận tham gia, Duy làm mẫu trên vườn cà phê của gia đình trước, kể cả trồng xen hồ tiêu để khai thác tối đa năng suất. Từ kết quả thực tế và những phép tính cụ thể về đầu tư và lợi nhuận, đã có 7 hộ đồng ý tham gia trồng cà phê theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 35 ha. Toàn bộ sản phẩm được HD Gia Lai bao tiêu với giá cao hơn thị trường 3.000-4.000 đồng/kg.

Trong phạm vi bài viết, cũng không thể không kể đến Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với trang trại cà phê 45 ha theo tiêu chuẩn organic mà hiện sản phẩm đã thâm nhập được vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Tại TP. Pleiku, Công ty vừa khai trương showroom L’amant cafe (28 Trần Phú) với nhiều dòng sản phẩm: cà phê pha phin, cà phê pha máy, cà phê hòa tan. Có thể thấy, đầu tư trồng cà phê theo hướng hữu cơ đang là lựa chọn hết sức thông minh khi mà thị trường cà phê tưởng đã bão hòa, khi mà nhu cầu bảo vệ sức khỏe và nhu cầu được thưởng thức hương vị cà phê nguyên chất, đích thực của khách hàng đang trở thành “đơn đặt hàng” cho ngành sản xuất, chế biến cà phê.

Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm