Trái cây trái mùa: Thật giả lẫn lộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, người tiêu dùng Gia Lai dễ dàng mua những loại trái cây trái mùa ở bất cứ đâu, từ siêu thị, chợ đầu mối, hàng online đến hàng rong. Tuy nhiên, nhiều người đang lo ngại với hiện tượng chín đẹp và tươi lâu bất thường của một số loại trái cây.

Mặt hàng trái cây tại Trung tâm Thương mại Pleiku.  Ảnh: Đức Thụy
Mặt hàng trái cây tại Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Nghịch lý “được mùa, mất giá” cùng những nỗi lo của người nông dân khiến các nhà khoa học nghiên cứu lai tạo, phát triển một số cây trồng cho quả trái mùa. Thực tế, nhiều loại trái cây trái mùa dù đắt đỏ vẫn được người tiêu dùng tìm mua, thậm chí những thị trường tiêu thụ khó tính ngoài nước cũng chọn trái cây trái mùa thương hiệu Việt. Tuy nhiên, hiện nay, một số nhà vườn, thương lái sử dụng vô tội vạ các loại hóa chất độc hại để bảo quản hoặc kích thích trái cây chín nhanh, tươi lâu khiến người tiêu dùng quay lưng với mặt hàng này.

Chị Đinh H'Mai-giáo viên Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai, phàn nàn: “Vài hôm trước, tôi mua chục ký bơ được người bán giới thiệu là trái mùa làm quà cho người bạn ở Hà Nội. Nhìn trái nào cũng to, xanh đẹp mắt nên tôi mua thêm vài ký về ăn. Khi bơ chín bổ ra thì trong ruột trắng nhỡn, ăn vào đắng ngắt. Gọi điện hỏi, bạn cũng nói tình trạng như vậy, thật xấu hổ quá! Từ nay cạch chẳng dại mà mua trái cây trái mùa”.

Tìm hiểu từ những người bán trái cây tại Trung tâm Thương mại Pleiku được biết, thị trường đang lưu hành loại hóa chất có khả năng kích thích trái cây non phát triển, chín trong thời gian rất ngắn và tươi rất lâu. Chị Phan Thị Ngọc Chi (trú tại tổ dân phố 3, phường Diên Hồng, TP. Pleiku), một tiểu thương bán trái cây tại đây, cho biết: “Bây giờ sử dụng hóa chất cho trái cây là chuyện bình thường. Ngay cả sầu riêng, chuối, mít, bơ, đu đủ cũng được người ta thu mua từ khi còn non rồi dùng hóa chất “biến” thành trái cây trái mùa. Những sạp nhỏ thì không trực tiếp tẩm thuốc vì chủ mối hàng đã tẩm sẵn rồi, chúng tôi chỉ việc bán thôi. Mà nói thật, nếu không có thuốc thì trái cây nhanh hư, lỗ vốn ai chịu!”.

Chị Chi cũng tiết lộ thêm, trái cây trái mùa “xịn” có giá cao, khó tiêu thụ. Do đó, tranh thủ cứ chính mùa của loại trái nào thì “trà trộn” trái đó cho dễ bán. Lúc này, người tiêu dùng chắc mẩm những loại trái đang chính mùa có nhiều nên sẽ ít bị tẩm hóa chất.
 

Có nhiều loại trái cây bị tẩm thuốc kích thích được bày bán trên thị trường.           Ảnh: B.N
Có nhiều loại trái cây bị tẩm thuốc kích thích được bày bán trên thị trường. Ảnh: B.N
Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh: “Hiện nay, việc xử lý trái cây sau thu hoạch bằng hóa chất được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm tạo ra sản phẩm có độ chín đồng đều, bắt mắt người tiêu dùng và bảo quản được lâu. Ở Gia Lai, người dân đang sử dụng phổ biến Ethephon, Etylen để đẩy nhanh quá trình chín hoặc ức chế làm chậm chín cho trái cây. Những chất này không độc hại, không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản và được loại bỏ dễ dàng bằng cách rửa sạch nếu sử dụng đúng liều lượng. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về kỹ thuật, lại hám lợi nên một số nhà vườn và thương lái sử dụng vô tội vạ dẫn đến khó kiểm soát. Chúng tôi khuyến cáo nhà vườn và thương lái nên dấm chín trái cây ở giai đoạn gần chín, không nên dấm lúc trái còn non; nên sử dụng đúng giai đoạn, đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; nên sử dụng sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.

Tại chợ đêm Pleiku, riêng mặt hàng trái cây, trung bình mỗi ngày nhập hàng chục tấn với nhiều chủng loại, xuất xứ, sau đó được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Chị Trần Thị Hạnh (trú tại phường Thống Nhất, TP. Pleiku), một thương lái trái cây kỳ cựu ở đây, cho biết: “Trước đây, tôi chỉ buôn trái cây ngoại nhập nhưng hơn 2 năm nay mặt hàng này tiêu thụ chậm vì người tiêu dùng cảnh giác với các loại trái cây Trung Quốc nên tôi chuyển buôn trái cây trái mùa. Ngày trước hiếm chứ giờ thì người ta xử lý cho ra trái mùa dễ như không, muốn lúc nào là có lúc đó và không lo bị hư. Những loại trái cây trái mùa thường chỉ những người có vốn, có cửa hàng mới dám buôn và lãi rất cao”.

Cũng theo chị Hạnh, trái cây trái mùa hầu hết được thu mua khi còn non rồi kích thích cho nhanh chín để bán. Muốn thúc chín hay giữ lâu hư mà vẫn giữ được màu sắc tươi ngon thì chỉ cần dùng đất đèn, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích ra lá hoặc thuốc kích thích ra mủ cao su… nhúng, ủ hoặc bơm vào cuống quả. Các loại hóa chất đó được bán đầy tại các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Tiếp cận với một số cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết đều cho biết các mặt hàng như thuốc diệt cỏ, phân bón lá, thuốc kích thích cao su ra mủ bán khá chạy và khi bán họ không phân biệt mục đích sử dụng của người mua. Còn thuốc kích thích quá trình chín và giữ tươi lâu cho trái cây thì trước đây nhiều người mua đất đèn về ủ, nhưng trong đất đèn có chứa chất độc ảnh hưởng đến hệ thần kinh nên đã bị cấm sử dụng, bây giờ họ chỉ sử dụng Ethephon. Các chủ cửa hàng cũng dè dặt khi khách hỏi mua những loại thuốc thúc chín trái cây khác. Họ cho biết vì không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục cho phép và bị quản lý gắt gao nên không kinh doanh…

Bội Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.