Đẩy mạnh thu hút đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển; nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, có chung 90 km đường biên giới với tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Cảng Hàng không Pleiku với các chuyến bay hàng ngày đi TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, cùng các quốc lộ 14, 19, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, kết nối Gia Lai với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ cùng nhiều địa phương trong nước và quốc tế.
 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành

Khí hậu, thổ nhưỡng và tiềm năng đất đai của tỉnh rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến nông-lâm-súc sản theo hướng phát triển công nghệ cao nhằm phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Tỉnh có tổng diện tích rừng tương đối lớn và còn quỹ đất lớn để phục vụ trồng rừng sản xuất và trồng rừng phòng hộ; có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú thuận lợi cho một số ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Gia Lai còn có nhiều danh lam, thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng: Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại; quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo; làng kháng chiến Stơr gắn với tên tuổi Anh hùng Núp; các địa danh lịch sử, các thắng cảnh thiên nhiên như Biển Hồ, thác Phú Cường, thác Chín Tầng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng; chuỗi di tích của nhiều ngọn núi lửa âm và dương riêng có ở Gia Lai; các lễ hội dân gian đặc sắc của những cư dân bản địa; đặc biệt là những phát hiện mới nhất về khảo cổ học ở di chỉ Gò Đá-Rộc Tưng (thị xã An Khê) về thời kỳ đá cũ trên 80 vạn năm; công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku); các công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc... là những tài nguyên du lịch phong phú, tạo dấu ấn và không gian du lịch mới cho khách trong và ngoài nước.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, cùng với sự quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với các cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả… Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông-lâm nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; trong đó ưu tiên cho sản xuất phân bón, thức ăn gia súc…, nghiên cứu xây dựng một số sản phẩm chủ lực của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó là thu hút đầu tư để đưa Gia Lai trở thành một trong những tâm điểm du lịch của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và là một tỉnh có dịch vụ du lịch phát triển. Ưu tiên các dự án đối tác công tư PPP cho các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… Tỉnh sẽ tạo điều kiện ưu đãi tốt nhất cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo các dự án nêu trên, đồng thời thường xuyên đối thoại với nhà đầu tư nhằm kịp thời hỗ trợ, chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực cải cách hành chính, đạt được một số kết quả ban đầu. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong chỉ đạo và hành động để làm tốt hơn nữa việc cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đang triển khai điều chỉnh các quy hoạch đã lạc hậu, xây dựng các quy hoạch mới phục vụ cho yêu cầu phát triển và làm cơ sở giúp nhà đầu tư yên tâm khi đến đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài. Cùng với những việc trên, thời gian đến, UBND tỉnh hết sức chú trọng trong việc thường xuyên tham vấn các doanh nghiệp rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách của tỉnh và đề xuất Chính phủ, bộ, ngành điều chỉnh các chính sách không phù hợp hoặc còn thiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế quan, mở rộng cơ hội giao thương, thu hút vốn FDI, liên kết, hợp tác để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực và tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi thì vẫn kèm theo không ít khó khăn thách thức khi doanh nghiệp trong nước phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là đối với Gia Lai, địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa quá lớn (khoảng 97,5%) được xem là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia sân chơi này. Do đó, với mục tiêu “nâng chất” môi trường đầu tư nhằm chủ động đón dòng chảy đầu tư trong tiến trình hội nhập, Gia Lai sẽ chú trọng rà soát, hoàn thiện các quy hoạch chi tiết, nâng cao chất lượng nguồn lao động; đồng thời đẩy nhanh khớp nối các hệ thống hạ tầng giao thông tạo ra những vùng động lực thúc đẩy phát triển; hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp nhận giải quyết thủ tục đầu tư. Hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục để nhà đầu tư sớm triển khai dự án; chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để nhà đầu tư tái đầu tư trên địa bàn tỉnh và giới thiệu các nhà đầu tư mới vào Gia Lai, từ đó tạo tiền đề vững chắc để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Với những lợi thế hiện có về địa chính trị, kinh tế, văn hóa; với sự quan tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương; với sự đồng cảm, chia sẻ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng với chính sách mở cửa, thông thoáng, Gia Lai đang hội đủ các yếu tố “Thiên thời-Địa lợi-Nhân hòa”. Tôi tin tưởng sau Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Gia Lai sẽ là nơi lý tưởng để các nhà đầu tư quan tâm và quyết định đến để đầu tư phát triển kinh tế, dịch vụ, khai thác du lịch, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, góp phần đưa Gia Lai phát triển thành một vùng động lực của khu vực Bắc Tây Nguyên.

Võ Ngọc Thành
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Có thể bạn quan tâm