Nâng cao hiệu quả quản lý Khu Công nghiệp Trà Đa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là khu công nghiệp lớn nhất trên địa bàn tỉnh, được xây dựng vào năm 2003, Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) hiện đã thu hút được 39 nhà đầu tư, triển khai đầu tư 44 dự án với tổng vốn đăng ký gần 1.300 tỷ đồng. Sau 13 năm hoạt động, Khu Công nghiệp đã khẳng định được vị thế của mình trong việc tạo việc làm cho người lao động cũng như đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Thu hút đầu tư
 

  Sản xuất đá Granite tại Khu Công nghiệp Trà Đa. Ảnh: Đinh Yến
Sản xuất đá Granite tại Khu Công nghiệp Trà Đa. Ảnh: Đinh Yến

Trong số 44 dự án đầu tư vào Khu CN Trà Đa có 37 dự án đã thực hiện đầu tư và đi vào hoạt động, trong đó có 25 dự án đi vào hoạt động kinh doanh hiệu quả, ổn định. Tại Khu CN, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký là gần 239 tỷ đồng, đầu tư 5 dự án gồm: dự án khai thác và chế biến đá của Công ty TNHH một thành viên Đá Viet-Euro-Stone Gia Lai (Cộng hòa Liên bang Đức); dự án chế biến cà phê và nông sản của Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodities Việt Nam (Singapore); dự án nhà máy chế biến cà phê Acom của Chi nhánh Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam tại Gia Lai (Thụy Sĩ); Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai (Singapore) đầu tư 2 dự án là mở rộng nhà máy chế biến nông sản Olam và dự án nhà máy thu mua, sơ chế nông sản. Có 4 dự án hoạt động cầm chừng, theo mùa; 2 dự án ngừng hoạt động; 6 dự án đã và đang hoàn tất các thủ tục sau khi nhận chuyển nhượng.

Ông Phạm Văn Binh-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết, đến hết tháng 9-2016, giá trị hàng hóa sản xuất công nghiệp đạt khoảng 960 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2015), tổng doanh thu thuần đạt 744 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 13,6 tỷ đồng (tăng 3,8% so với năm 2015), xuất khẩu đạt gần 22 triệu USD. Tại đây, có gần 2.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó lao động người dân tộc thiểu số gần 550 người, lao động nữ gần 1.100 người. Số lao động được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khoảng 40%; tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 41%. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 4.900.000 đồng/người/tháng. Hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện mức lương tối thiểu hiện hành và không có tình trạng nợ đọng lương công nhân.

Các nhà máy trong Khu CN cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và quan trắc môi trường định kỳ. Trạm xử lý nước thải tập trung Khu CN giai đoạn I được vận hành ổn định với công suất 600 m3/ngày đêm, đáp ứng được nhu cầu thu gom, xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ Khu CN Trà Đa giai đoạn I. Theo đó, hệ thống thu gom nước thải, nước mưa tập trung đã dần hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 8 dự án chưa thực hiện thủ tục môi trường theo quy định.

Cần nâng cao trách nhiệm quản lý

 

  Cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai tại Khu Công nghiệp Trà Đa.
Cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai tại Khu Công nghiệp Trà Đa.

Trước đây, cơ quan quản lý nhà nước Khu CN có phần thiếu giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp cũng như chưa có chế tài xử lý phù hợp. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng dự án đầu tư, không đúng tiến độ, không đúng hợp đồng thuê đất, chưa đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh, chưa áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan. Ngay cả mối quan hệ giữa Ban Quản lý với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cũng rời rạc.

Bà Tuyết Mai-chủ doanh nghiệp Sinh học Minh Hoàng đề nghị: “Để thu hút đầu tư và các nhà đầu tư yên tâm sản xuất tại Khu CN, công tác quản lý và thủ tục hành chính cần được cải tiến làm sao đó để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh phiền hà và tránh những trường hợp kéo dài”. Còn ông Đoàn Thanh-Giám đốc Công ty TNHH Olam-chi nhánh Gia Lai đề xuất: “Cần xem lại vấn đề an ninh tại Khu CN. Nếu được, cần có Ban An ninh, đề nghị Ban Quản lý đề xuất lên tỉnh xem xét bố trí lực lượng Công an, mọi chi phí có thể do doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu CN chịu, có vậy doanh nghiệp mới an tâm hoạt động”.

Để Khu CN hoạt động ổn định và phát triển, ông Phạm Văn Binh cho biết: “Ban Quản lý sẽ thiết lập cơ chế lãnh đạo quản lý điều hành cả 4 cấp, làm việc với các sở, ngành có liên quan, nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường... tạo quy chế phối hợp trong hoạt động. Đồng thời thực hiện cải cách hành chính ngay trong Ban Quản lý. Mới đây, Ban Quản lý vừa ban hành quyết định thành lập tổ tư vấn đầu tư, tư vấn hỗ trợ đầu tư và chúng tôi có cơ chế vận hành quy trình hỗ trợ này thật hiệu quả. Bên cạnh đó sẽ xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp-vừa là đối tượng chúng tôi quản lý, vừa là đối tượng chúng tôi phục vụ, nên sẽ có hàng loạt các giải pháp để cùng đồng hành, chia sẻ với các doanh nghiệp. Sắp tới sẽ tiến tới thực hiện giải quyết thủ tục hành chính ở cấp độ 3, 4, tức là nhà đầu tư, người dân không cần đến Ban Quản lý vẫn giải quyết được thủ tục hành chính trên máy tính có kết nối internet”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.