Câu chuyện thủy điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hệ sinh thái, cảnh quan vùng Tây Nguyên đang thay đổi theo chiều hướng thiếu bền vững; rừng bị tàn phá khiến độ che phủ suy giảm nhanh, mất đi khả năng sinh thủy và giữ nước; đời sống người dân bị ảnh hưởng... Đó là đáp án của bài toán đánh đổi chưa hợp lý giữa phát triển kinh tế và tài nguyên mặt nước khu vực Tây Nguyên.

Thủy điện “bức tử” sông Tây Nguyên

Những con số, dẫn chứng được các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo “An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên” đã khiến các đại biểu tham dự và ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên hết sức lo ngại. Chỉ trong vòng 7 năm (từ 2008 đến 2015), Tây Nguyên mất gần 360 nghìn ha rừng. Thống kê rộng hơn, trong vòng 30 năm, đã có 1/3 diện tích rừng bị tàn phá với hơn 1,5 triệu ha. Các công trình thủy điện chuyển nước sang lưu vực khác làm cho Tây Nguyên mất khoảng 2,9 tỷ m3/năm gây thiếu hụt nguồn nước, tăng nguy cơ thiếu nước vào mùa khô. Chính vì vậy, thời gian qua Tây nguyên phải hứng chịu đợt khô hạn lịch sử trong hơn 20 năm qua. Tính đến tháng 6-2016 toàn vùng đã có gần 180.000 ha cây trồng bị hạn hán, ước tổng thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng.

 

Các nhà khoa học cho rằng tình trạng hạn hán, lũ lụt hiện nay cũng một phần là do rừng Tây Nguyên bị tàn phá. Ảnh: M.T
Các nhà khoa học cho rằng tình trạng hạn hán, lũ lụt hiện nay cũng một phần là do rừng Tây Nguyên bị tàn phá. Ảnh: M.T

Việc phát triển thủy điện ồ ạt đang “giết” các dòng sông lớn ở Tây Nguyên, phá vỡ hệ sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ-Ban tư vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam: 4 hệ thống sông chính của Tây Nguyên là Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai có tài nguyên nước dồi dào, điều kiện địa hình, địa chất thuận lợi với tiềm năng lớn về phát triển thủy điện. Chính vì thế, toàn vùng đến năm 2015 đã có 190 công trình thủy điện lớn nhỏ đã và đang được xây dựng.

Tiến sĩ Tứ phân tích, trên dòng sông chính Sêrêpốk hiện có 7 công trình thủy điện lớn và hàng chục công trình thủy điện nhỏ. Thủy điện Srêpốk 4A đã ngăn dòng, chuyển nước qua kênh đào lớn xuống đoạn sông 20 km hạ lưu thủy điện Sêrêpốk 4 làm cho khúc sông từ sau đập thủy điện Sêrêpốk 4 và Sêrêpôk 4A bị cạn kiệt, nguy cơ trở thành đoạn sông “chết”. Tương tự, sông Sê San cũng có tới 7 công trình thủy điện lớn đã được xây dựng, vận hành. Đặc biệt, thủy điện Thượng Kon Tum trên sông Sê San không trả nước về dòng chính mà trả về sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi). Thủy điện An Khê-Ka Nak trên Sông Ba chuyển nước sang sông Kôn (tỉnh Bình Định). Sông Đồng Nai với hàng loạt các thủy điện lớn cũng đang đặt tài nguyên nước nói chung và đa dạng sinh học vùng đầu nguồn sông Đồng Nai trong tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục.

Việc phát triển thủy điện ồ ạt trên các dòng sông Tây Nguyên đã gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái các dòng sông. Bài toán đánh đổi và cái giá phải trả được nhìn thấy từ nhiều góc độ. “Chúng ta sử dụng tiềm năng để phát triển kinh tế, song thủy điện là một công trình can thiệp trực tiếp đến dòng chảy, làm thay đổi toàn bộ hệ thống sinh thái của dòng sông. Nếu vận hành hệ thống thủy điện không đúng quy trình thì sẽ gây nên những tác động cực kỳ lớn đối với môi trường, sinh thái. Theo tôi, các dự án chuyển nước lưu vực hiện nay nên tránh bởi lợi bất cập hại và hại sẽ nhiều hơn lợi”-Tiến sĩ Tứ chia sẻ quan điểm.

Hệ lụy từ việc mất đất, mất rừng

 

Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ thủy điện đang bức tử các dòng sông Tây Nguyên. Ảnh: M.T
Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ thủy điện đang bức tử các dòng sông Tây Nguyên. Ảnh: M.T

Theo đánh giá của các nhà khoa học tại hội thảo, 25 công trình thủy điện lớn tại Tây Nguyên đã chiếm dụng 68.195 ha đất, ảnh hưởng đến 25.712 hộ dân. Tây Nguyên đã chuyển đổi trên 80.000 ha đất các loại cho thủy điện. Tính trung bình 1MW thủy điện lớn đã chiếm tới 14,5 ha đất các loại, làm ảnh hưởng 5,5 hộ dân, trong đó 1,5 hộ phải di dời. Tuy nhiên, việc trồng rừng thay thế chưa đủ so với diện tích rừng phải “hy sinh” để phục vụ thủy điện.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mới chỉ có 757,3 ha rừng được trồng so với khoảng 22.770 đất rừng các loại đã chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện. Tại Đak Lak, các dự án thủy điện phải trồng mới hơn 845 ha, nhưng hiện chỉ mới trồng được 63 ha. Tại tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các thủy điện chưa bố trí được đất để trồng rừng thay thế. Những hệ lụy do thủy điện gây ra còn là thay đổi tập quán văn hóa, sản xuất lâu đời của người dân bản địa Tây Nguyên. Người dân phải di dời đến nơi khác, điều kiện sản xuất và đời sống không bằng nơi ở cũ, phải mất nhiều năm mới khắc phục được. Việc chậm trễ trong đền bù, tái định cư cũng dẫn đến khiếu kiện kéo dài tại một số địa phương, tạo dư luận xấu trong xã hội; thủy điện cũng đã gián tiếp gây nên nạn phá rừng...

Vấn đề đảm bảo đời sống người dân, nhất là người dân tộc thiểu số tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được PGS.TS Huỳnh Phú-Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội đặc biệt quan tâm. “Phải làm sao để sinh kế của đồng bào tốt hơn chứ không phải cứ đẩy họ lùi sâu vào trong rừng để mà thu tiền. Thủy điện hiện nay đang làm người dân nghèo đi, khổ đi, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên”- ông Phú nói.

Theo bà Phan Thị Lệ Anh-Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, các công trình thủy điện đã tác động lớn đến chế độ thủy văn, chất lượng nước, môi trường ảnh hưởng đến đời sống, đặc biệt là thủy sản trên các hệ thống sông. Cần có giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản.

Đối với Tiến sĩ Nguyễn Huy Dũng-Phó Viện trưởng Viện Điều tra và Quy hoạch rừng, thảm rừng ở Tây Nguyên đóng vai trò rất quan trọng đối với việc điều tiết nguồn nước không chỉ tại chỗ mà còn chi phối nguồn nước của nhiều vùng. Tuy nhiên việc quản lý tài nguyên rừng chưa chặt chẽ đã dẫn đến diện tích rừng Tây Nguyên suy giảm báo động, nguồn sinh thủy bị ảnh hưởng, giảm lượng mưa cung cấp nước cho hệ thống hồ trên toàn vùng. Khi khả năng phòng hộ môi trường, điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt của thảm rừng vùng Tây Nguyên bị suy giảm thì tình trạng khô hạn, lũ lụt bất thường... đã và đang xảy ra ở Tây Nguyên hiện nay là điều tất yếu”-Tiến sĩ Dũng khẳng định.

Trước những hệ lụy do thủy điện gây ra, đến nay trên cả nước đã dừng hơn 400 thủy điện các loại. Riêng Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng đưa ra khỏi quy hoạch 28 dự án thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của tỉnh; Tỉnh Kon Tum cũng loại bỏ 21 dự án thủy điện vì hiệu quả thấp. Gia Lai chấm dứt hoạt động của 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ, đồng thời loại 11 dự án thủy điện khác khỏi quy hoạch. Tỉnh Đak Lak cũng vừa thu hồi chủ trương đầu tư, loại bỏ 20 dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.