Cần xây dựng hồ điều hòa trên sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ khi thủy điện An Khê-Ka Nak đi vào hoạt động đã gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống và hoạt động sản xuất ở hạ lưu sông Ba. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng, để khắc phục phần nào hậu quả, đảm bảo đời sống cho người dân, cần xây dựng nhiều hồ điều hòa trên sông Ba. Đáng mừng là lãnh đạo các bộ, ngành đã có những phản hồi tích cực.

Vùng thượng lưu sông Ba.        Ảnh: H.D
Vùng thượng lưu sông Ba. Ảnh: H.D

Những thiệt hại sau khi công trình thủy điện An Khê-Ka Nak đi vào hoạt động thời gian qua đã thể hiện rõ. Chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm nay, việc thiếu hụt nguồn nước đã làm 6.530 hộ thiếu nước sinh hoạt, gần 7.000 ha cây trồng của 7 huyện vùng hạ du sông Ba bị hạn; môi trường ở vùng hạ du thủy điện này chịu nhiều tác động tiêu cực. Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: “Quy trình vận hành hoạt động thủy điện cơ bản là đúng nhưng đời sống người dân bị ảnh hưởng nhiều và đang khốn khổ. Vậy nên phải xem lại quy trình vận hành của công trình này. So với trước khi thủy điện hoạt động, lượng nước trả về hạ du thấp hơn rất nhiều”. Thực tế cho thấy, trước đây lưu lượng dòng chảy trên sông Ba là 10,7 m3/s, sau khi chặn dòng thì lưu lượng còn 4 m3/s, đến mùa mưa gần đây thì tăng lên 6-8 m3/s.

Bên cạnh đó, hiện một số đoạn sông Ba ở huyện Krông Pa có hiện tượng tảo nở hoa, cả đoạn sông chuyển thành màu xanh. Cứ tiếp tục thế này, đây có thể sẽ là nguyên nhân khiến nước không chảy được, các loài vi sinh vật, tảo độc sẽ phát triển. Việc tính toán lại quy trình hoạt động của thủy điện An Khê-Ka Nak (như có thể giảm bớt công suất nguồn điện) là cần thiết. Theo đó, một trong những đề xuất mà Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành gửi đến Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trong chuyến thăm, làm việc tại Gia Lai mới đây là: Xem xét việc xây dựng các hồ điều hòa bên dưới thủy điện để điều tiết nước. Phải tính toán việc xả nước sao cho đủ rửa trôi dòng chảy và tích nước cho người dân đang sinh sống dọc theo dòng sông này.

Ông Hoàng Văn Thắng-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng ý với đề xuất xây dựng một số hồ điều hòa bên dưới thủy điện và nghiên cứu thêm giải pháp dẫn nước thẳng từ hồ Ka Nak về hạ lưu sông Ba để phục vụ người dân. Lưu lượng tối thiểu được xác định qua các nghiên cứu về môi trường và nhu cầu khác nhau của hạ lưu và có thể thay đổi tùy theo lượng mưa trên lưu vực của hồ chứa. Quy định về lưu lượng tối thiểu của dòng sông đặc biệt quan trọng khi nhà máy thủy điện là nơi xả nước về hạ lưu không nằm cùng dòng sông với hồ chứa (chuyển nước). Trong trường hợp này, hồ chứa phải xả nước thường xuyên qua đường hầm ở chân đập để duy trì lưu lượng tối thiểu trong sông ở phía hạ lưu của hồ chứa.

Tháng 4-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập đoàn kiểm tra việc xả nước tại công trình thủy điện An Khê-Ka Nak. Qua kiểm tra cho thấy “Việc xả nước tại đây bảo đảm đúng quy trình, nhưng có khoảng 5 ngày là xả dòng chảy tối thiểu không đúng quy định. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và xử phạt 270 triệu đồng. Bộ đang rà soát, đánh giá các nội dung quy trình vận hành liên hồ chứa của 11 lưu vực sông, trong đó có chú ý đến lưu vực sông Ba sau thủy điện An Khê-Ka Nak”-ông Võ Tuấn Nhân-Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Phát triển thủy điện mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, không nên để lợi ích cục bộ của một nhà máy thủy điện mâu thuẫn với chức năng căn bản của một hồ chứa. Do vậy, cần có những quy định hợp lý trong việc vận hành các nhà máy thủy điện để bảo đảm tài nguyên nước được sử dụng một cách công bằng và hiệu quả. Nói cách khác là lưu lượng tối thiểu được quy định dựa trên nhu cầu và lợi ích của hạ lưu, được cân bằng với thiệt hại của nhà máy điện, làm sao để đảm bảo lợi ích chung của xã hội. Do vậy việc bổ sung quy hoạch và đầu tư các hồ điều hòa trên sông Ba theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 3455/VPCP-KTN ngày 16-5-2016 của Văn phòng Chính phủ là vô cùng cần thiết và cần được quan tâm đầu tư nhanh để ổn định đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực.

 Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.