Tiến độ xây dựng cơ bản chậm, vì sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản trên địa bàn, UBND tỉnh Gia Lai vừa chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục cho các chủ đầu tư. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành không giao nhiệm vụ cho các chủ đầu tư không đủ năng lực.

Năm 2016, tổng vốn đầu tư xây dựng của tỉnh Gia Lai là gần 1.931 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước được giao kế hoạch đầu năm gần 1.728 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn, tỉnh đã bố trí cho 85 công trình, chương trình, dự án khởi công mới (trong đó có 17 công trình khởi công mới theo Quyết định số 293/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Ông Hồ Phước Thành- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Hầu hết các công trình khởi công mới được phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật trước ngày 31-10-2015 và 31-3-2016 để đủ điều kiện ghi kế hoạch vốn. Nhưng do quá trình triển khai thực hiện theo Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành còn mới dẫn đến kéo dài thời gian làm thủ tục. Vì vậy số lượng các công trình đi vào giai đoạn thi công rất ít”. Hiện có 53 công trình được phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, và có 33 công trình đi vào giai đoạn thi công; 32 công trình đang lập thiết kế dự toán và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

 

Bê tông hóa đường nông thôn. Ảnh: Đức Thụy
Bê tông hóa đường nông thôn. Ảnh: Đức Thụy

Tính đến ngày 30-4, khối lượng thực hiện của các dự án công trình đạt 164,1 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch. Khối lượng giải ngân đến thời điểm này chỉ gần 283,7 tỷ đồng, đạt 16,42% kế hoạch. Đó là những con số quá khiêm tốn khi hiện tại đã là cuối tháng 5, sắp tới là mùa mưa, tiến độ sẽ còn chững lại. Thời điểm này, một số địa phương triển khai chậm gồm: Chư Prông, Kbang, Krông Pa, Đak Pơ, Ayun Pa… Nhiều đơn vị đến nay khối lượng giải ngân vẫn ở mức 0% như: Ban Quản lý dự án giao thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế… Ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho rằng: “Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh một số nội dung thi hành Luật Xây dựng năm 2014 về quản lý dự án đầu tư xây dựng chưa có sự hướng dẫn cặn kẽ nên gây khó khăn cho công tác triển khai xây dựng của địa phương”.

Cùng quan điểm với ông Khanh, nhiều chủ đầu tư cũng nêu lên những khó khăn trong việc triển khai công tác xây dựng cơ bản năm 2016. Đó là nhiều công trình đang điều chỉnh dự toán theo công bố giá số 01/2016/CBGVL-LS ngày 15-3-2016 của Liên sở Xây dựng-Tài chính và Thông tư số 05-2016/TT-BXD ngày 10-3- 2016 hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hàng loạt thông tư khác có liên quan được ban hành vào trung tuần tháng 3-2016. Đơn giá đền bù của Nhà nước không theo kịp đơn giá của thị trường cũng làm chậm tiến độ và ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Khó khăn thấy trước là Gia Lai chuẩn bị bước vào mùa mưa, tiến độ xây dựng cơ bản chắc chắn bị ảnh hưởng lớn. “Tranh thủ những ngày còn nắng, các chủ đầu tư cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng các công trình”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng mới đây đã chỉ đạo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Lãnh đạo các sở, ngành liên quan cần quan tâm giải quyết kịp thời thủ tục, hồ sơ, đôn đốc, kiểm tra các bộ phận chuyên môn của đơn vị giải quyết các thủ tục để công trình kịp thời triển khai. Đối với các công trình trọng điểm, phải hợp lực để giải quyết nhanh các vướng mắc.

Một số giải pháp cũng được đưa ra để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chủ đầu tư phải đủ năng lực, nếu không đủ tuyệt đối không giao nhiệm vụ. Để các dự án được “đầu xuôi đuôi lọt”, tất cả các công trình có liên quan tới đền bù, giải tỏa, chủ đầu tư phải đi trước một bước để tránh những vướng mắc không đáng có, tránh khiếu nại kéo dài. Tỉnh sẽ có chế tài cụ thể đối với các đơn vị tư vấn làm chậm tiến độ. Và đối với các đơn vị thi công, phải chọn nhà thầu có năng lực, phù hợp với công trình, dự án đang triển khai. Các chủ đầu tư và các đơn vị có chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tiến độ các công trình.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.