Đề xuất 3 phương án điều chỉnh giá xăng dầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án điều chỉnh giá xăng dầu.

Ở phương án đầu tiên, Bộ Công Thương đề nghị tăng thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp lên 15 ngày, thay vì 10 ngày như hiện hành.

 

Cụ thể, dự thảo nêu rõ: thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá.

Về điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu, ở phương án này, Bộ Công Thương đề xuất, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên 6% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính theo quy định (thuế nhập khẩu, Quỹ bình ổn giá...), thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình; không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.

Ngược lại, trong trường hợp yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 5% (≤ 5%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng.

Khi giá cơ sở tăng trên 5-10% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá như trường hợp ≤ 5%, cộng thêm 60% của mức giá cơ sở tăng trên 5-10%. Còn lại 40% thì sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù đắp.

Trường hợp giá cơ sở tăng trên 10%, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước sẽ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, quỹ Bình ổn giá và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cố định giá cơ sở tháng trước làm giá bán lẻ tháng sau

Tại phương án 2, Bộ Công Thương đề xuất cố định mức giá cơ sở của tháng trước làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo.

Giá cơ sở được tính toán theo giá Platts Singapore (hoặc giá công bố tại sàn giao dịch khác) bình quân 30 ngày với đầy đủ các khoản thuế, phí, lợi nhuận theo quy định.

Ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo, Liên Bộ Tài chính-Công Thương sẽ công bố giá bán lẻ tối đa áp dụng trong tháng trên cơ sở tính giá cơ sở bình quân của tất cả các ngày giao dịch của tháng trước đó. Các thương nhân đầu mối có quyền tăng, giảm giá nhưng không vượt quá giá trần do Liên Bộ công bố.

Nếu giá cơ sở vượt quá giá bán lẻ hiện hành từ 5% trở lên, sau khi điều chỉnh tăng đến 5%, phần còn lại Liên Bộ quyết định sử dụng các biện pháp bình ổn theo quy định của pháp luật.

Nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành từ 5% trở lên, sau khi điều chỉnh giảm đến 5%, phần còn lại Liên bộ quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá hoặc tăng thuế nhập khẩu.

Công bố trần giá bán lẻ cả năm

Phương án 3, Bộ Công Thương đề xuất công bố mức trần giá bán lẻ xăng dầu cho cả năm tại ngày làm việc đầu tiên của năm.

Doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá. Định kỳ hằng quý, cơ quan quản lý Nhà nước tính toán chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ quy định. Nếu giá cơ sở vượt mức trần giá bán lẻ thì cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành Quyết định cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp chênh lệch, căn cứ vào hóa đơn bán hàng của doanh nghiệp.

Ở phương án này, mức trần giá bán lẻ xăng dầu cả năm = giá cơ sở (loại bỏ lợi nhuận định mức) trung bình năm trước + mức trần tăng giá.

Trong đó, mức giá trần tăng giá = giá cơ sở (loại bỏ lợi nhuận định mức) trung bình năm trước x CPI dự kiến trong năm của Chính phủ.

M.Thi (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm