Ia Blang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau giai đoạn khủng hoảng, “thủ phủ” hồ tiêu Ia Blang (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã thực sự hồi sinh. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cùng sự nỗ lực của người dân trong việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa.
Ông Đặng Ngọc Nam-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blang-cho biết: Thời hoàng kim, toàn xã có trên 1.000 ha hồ tiêu, nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2015, Ia Blang là một trong những xã đầu tiên của huyện Chư Sê đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, giá hạt tiêu tụt dốc không phanh cùng với dịch bệnh hoành hành đã khiến không ít gia đình lâm vào cảnh nợ nần, bỏ xứ đi làm ăn xa. Theo thống kê, có thời điểm, trên địa bàn có hơn 2.000 người vào các tỉnh, thành phía Nam làm công nhân, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Trước thực trạng đó, cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã đã tập trung vận động, hỗ trợ người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và liên kết chuỗi giá trị. Không ít hộ dân đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống nhờ chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, nuôi heo theo hướng sinh học.
Hộ ông Võ Bá Thương (thôn 1) là ví dụ điển hình. Năm 2018, sau khi 6.000 trụ hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết toàn bộ, ông Thương tập trung chăm sóc hơn 1 ha cà phê trồng xen cây ăn quả và vay vốn đầu tư chuồng trại để chăn nuôi heo theo hướng sinh học. Sau khi tham quan mô hình chăn nuôi heo thịt của Tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Thương nuôi heo giống và heo thịt siêu nạc. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình chăn nuôi heo của ông bước đầu cho thấy hiệu quả.
Mô hình chăn nuôi heo theo hướng sinh học của gia đình ông Võ Bá Thương (thôn 1, xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Ảnh: Quang Tấn
Mô hình chăn nuôi heo theo hướng sinh học của gia đình ông Võ Bá Thương (thôn 1, xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Ảnh: Quang Tấn
Không chỉ chú trọng chất lượng giống đầu vào, tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn heo, ông Thương còn đặc biệt quan tâm đến việc xử lý vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh. Trong đó, ông tuân thủ tiêu chí 5 không: không chất tạo nạc, tạo màu, không chất tăng trọng, không thuốc kháng sinh và không chất bảo quản thông qua công nghệ vi sinh thân thiện và bảo vệ môi trường. “Tôi vay hơn 160 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải và mua con giống chất lượng cao để phát triển đàn heo sinh sản và heo thịt siêu nạc. Đến nay, đàn heo sinh sản có 12 con, mỗi con đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa 10-15 con. Ngoài đáp ứng nhu cầu nuôi heo thịt của gia đình, tôi còn cung cấp con giống chất lượng cho các hộ chăn nuôi. Bình quân 3,5 tháng, tôi xuất bán 1 lứa heo thịt siêu nạc. Hiện đàn heo 33 con còn khoảng 1,5 tháng nữa xuất chuồng, dự kiến tổng trọng lượng hơn 3 tấn. Với giá bán 60 ngàn đồng/kg thì gia đình sẽ lấy lại vốn và bắt đầu có lãi”-ông Thương cho hay.
Đến nay, người dân trên địa bàn xã Ia Blang đã chuyển đổi sang trồng hơn 500 ha cây ăn quả. Ảnh: Quang Tấn
Đến nay, người dân xã Ia Blang đã chuyển đổi sang trồng hơn 500 ha cây ăn quả. Ảnh: Quang Tấn
Tương tự, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (làng Tok Roh) cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Ông chia sẻ: “Những năm 2015-2016, hơn 1 ha hồ tiêu của gia đình bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ sách báo và người dân, tôi đã chuyển hướng sang mô hình trồng cây ăn quả xen canh cây ngắn ngày. Đến nay, cuộc sống gia đình ổn định, có tiền trả nợ ngân hàng”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blang thông tin thêm: Nếu như năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm thì đến nay đạt 42,5 triệu đồng. Hiện toàn xã còn 64 hộ nghèo, chiếm 2,68% dân số. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Cùng với đó, xã chú trọng công tác khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phát triển kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác; ưu tiên hỗ trợ đầu tư các mô hình phát triển sản xuất cho thu nhập cao và phù hợp với nhu cầu của người dân. Đồng thời, vận động người dân thành lập hợp tác xã, nông hội để liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm”-ông Nam nhấn mạnh. 
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.