Nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn có đóng góp rất quan trọng ở nhiều khía cạnh vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)


Sáng 29/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương. Dự tại đầu cầu các địa phương có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân và lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của 63 tỉnh, thành phố.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản... Tuy nhiên ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có bước tăng trưởng vượt bậc.

Giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đạt 48,6 tỷ USD...

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cả nước phấn đấu năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8-2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9-3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; trên 73% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; 92,5% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng năm 2021 kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ xảy ra, nhất là những đợt mưa lũ liên tiếp trong tháng 10-11/2021 tại các tỉnh Nam Trung Bộ.

Trong bối cảnh khó khăn đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, sự chủ động, quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, GDP vẫn tăng; kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; các cân đối lớn như thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu, lương thực, thực phẩm, năng lượng... được đảm bảo; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng và xuất siêu; thị trường lao động từng bước phục hồi vào những tháng cuối năm.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được quan tâm, tăng cường; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong thành công chung của cả nước có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành Nông nghiệp, của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nông nghiệp vẫn luôn khẳng định vai trò bệ đỡ, góp phần ổn định đời sống người dân trong những lúc khó khăn. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có đóng góp rất quan trọng, trên nhiều khía cạnh vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ngành nông nghiệp đã vượt qua sóng gió, nỗ lực đương đầu, thích ứng linh hoạt với khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường nông sản toàn cầu bị đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và đạt được nhiều thành công mới. Sản xuất vẫn được duy trì, phát triển, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Chính phủ giao.


 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)


Cùng với đó, ngành Nông nghiệp có thêm nhiều tín hiệu phấn khởi trong chuyển sang phát triển theo chiều sâu, bền vững, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xanh, đem lại giá trị gia tăng cao. Nhiều ngành hàng trở thành những điểm sáng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn góp phần tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước. Ngày càng có nhiều nông dân biết làm giàu từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển. “Nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông dân là nền tảng”, Thủ tướng khẳng định.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành Nông nghiệp còn một số bất cập, hạn chế cần tập trung khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới như phát triển chưa tương xứng tiềm năng thế mạnh, nhất là kinh tế biển; chưa bền vững, chưa đi vào chiều sâu, chưa dựa nhiều vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong quá trình phát triển chưa linh hoạt, chủ động thích ứng với điều kiện, diễn biến mới; chưa thực sự chủ động, phát triển theo định hướng. Công tác dự báo về thị trường, biến đổi khí hậu còn hạn chế; việc khắc phục ảnh hưởng biến đổi khí hậu, giảm phát thải metan chưa được chú trọng. Công nghệ chế biến sau thu hoạch vẫn yếu.

Thủ tướng cũng cho rằng thị trường xuất khẩu của ngành Nông nghiệp chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường; xuất khẩu còn chưa cân đối; một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế; thặng dư cán cân thương mại chưa cao. Việc bảo vệ rừng, phát triển tài nguyên rừng còn bất cập, hạn chế, nhất là nạn phá rừng còn phức tạp; bảo vệ nguồn nước chưa được chú trọng. Chưa có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Đời sống của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…còn khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị sau hội nghị này cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, tìm nguyên nhân, mổ xẻ, phân tích về những hạn chế, yếu kém để khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp theo: vấn đề nào thuộc trách nhiệm của Chính phủ thì Chính phủ giải quyết; vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải đề xuất; vấn đề thuộc thẩm quyền thuộc Bộ, Bộ phải giải quyết. Điều quan trọng là phải chọn vấn đề để giải quyết rốt ráo.

Thủ tướng Chính phủ nhận định năm 2022 dự báo có cả thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, song khó khăn nhiều hơn. Do đó cần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; chọn vấn đề, nội dung, nguồn lực, thời gian phù hợp để thực hiện; trong quá trình thực hiện phải thiết thực, hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với mục tiêu, giải pháp của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cả nước sẽ triển khai trong năm 2022 và những năm tiếp theo; đồng thời gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện nhằm đưa ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Trước mắt là phòng, chống dịch COVID-19 thật tốt, trong đó có thực hiện chiến dịch tiêm vaccine nhanh chóng, khoa học, an toàn, hiệu quả theo kế hoạch của Chính phủ; tiếp tục thực hiện 3 trụ cột (cách ly, xét nghiệm, điều trị); công thức “5K+vaccine, thuốc+công nghệ+ý thức người dân và các biện pháp khác” trong phòng, chống dịch.

 

 Nông dân thu hoạch lúa. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Nông dân thu hoạch lúa. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)


Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tiếp tục bám sát, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của từng thời điểm, địa phương.

Cùng với đó, coi trọng công tác xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch; tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát hiện những điểm nghẽn để tháo gỡ; đẩy mạnh cải cách hành chính; phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, nhất là đối với người đứng đầu; huy động mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu, phát triển nông nghiệp dựa vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao năng xuất lao động.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương làm tốt dự báo cung-cầu, tình hình thị trường, tổ chức kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm; xây dựng nhiều sản phẩm quốc gia; tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu; nâng cao năng lực sản xuất, chế biến để sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, xuất khẩu chính ngạch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý phát triển bền vững kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC, gỡ “Thẻ vàng,” ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép, đồng thời xử lý tốt vấn đề môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo sản xuất, phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Theo Thủ tướng, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tập trung chuyển đổi số cho nông nghiệp để người dân được thụ hưởng thành quả; tổ chức tốt công tác thống kê để có dữ liệu phân tích, dự báo và có kế hoạch, quy hoạch, hoạch định chính sách để phát triển. Thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tổ chức thực hiện giảm phát thải metan theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Phát triển kinh tế vùng, xây dựng chuỗi sản phẩm, liên kết quốc tế.

Cũng theo Thủ tướng, vì mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nên phải khẩn trương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các thiết chế văn hóa; giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của các vùng miền, gắn với phát triển du lịch. Đảm bảo an sinh, xã hội, thị trường lao động ở khu vực nông thôn để người dân không cần ly nông, không cần ly hương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng trong năm 2022 và thời gian tới ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, trở thành nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân sẽ ngày càng giàu có, văn minh hơn, người nông dân có thể giàu có trên chính mảnh đất quê hương mình. Nông thôn sẽ ngày càng hiện đại, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn...

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho ngành nông nghiệp nói riêng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Theo Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.