Mang Yang phát huy hiệu quả vốn tín dụng nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang Đông Gia Lai (Agribank Mang Yang) đã tích cực triển khai các giải pháp để đưa nguồn vốn vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Ông Trần Trọng Toàn-Giám đốc Agribank Mang Yang-cho biết: “Thời gian qua, Chi nhánh tập trung cơ cấu đầu tư tín dụng theo hướng giảm dư nợ lĩnh vực phi nông nghiệp để ưu tiên vốn cho nông nghiệp, gắn với cho vay xây dựng nông thôn mới, chương trình tái canh cà phê và các dự án sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, Chi nhánh đẩy mạnh cho vay qua tổ liên kết, tạo mối quan hệ gắn bó với chính quyền và các hội, đoàn thể trong hoạt động tín chấp cho vay đầu tư phục vụ sản xuất”.
Hàng năm, tổng dư nợ cho vay của Agribank Mang Yang luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 100% tổng dư nợ đầu tư tín dụng trên địa bàn. “Đơn vị đã phối hợp với Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Giai đoạn 2016-2021, Chi nhánh đã cho vay hơn 20.300 lượt khách hàng với doanh số hơn 4.000 tỷ đồng, tỷ trọng dư nợ cho vay hộ sản xuất chiếm 98,2% tổng dư nợ. Nhờ đó, đơn vị giải quyết kịp thời nhu cầu vốn vay của khách hàng để phục vụ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập”-ông Toàn cho hay.
Giải ngân vốn vay cho khách hàng tại Agribank Chi nhánh huyện Mang Yang. Ảnh: Thanh Nhật
Thời gian qua, Agribank Mang Yang luôn giải quyết kịp thời nhu cầu vốn vay của khách hàng. Ảnh: Thanh Nhật
Bên cạnh đó, Agribank Mang Yang còn phối hợp với Hội Nông dân huyện thành lập 37 tổ liên kết vay vốn với gần 1.130  thành viên, dư nợ hơn 113 tỷ đồng. Hoạt động của tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý phát huy hiệu quả trong tổ chức thực hiện các điều kiện cho vay đối với hội viên nông dân. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hải-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-chia sẻ: “Hàng năm, Hội thường xuyên phối hợp với Agribank Mang Yang kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả các tổ liên kết vay vốn; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ liên kết thực hiện tốt chương trình phối hợp. Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nông dân. Toàn huyện có hơn 3.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng gần 10% so với năm 2016”.
Nhiều hộ vay vốn tại Agribank Mang Yang đã phát huy hiệu quả trong đầu tư sản xuất chăn nuôi. Tiêu biểu như hộ ông Huỳnh Hữu Quyết (thôn Nhơn Bông, xã Ayun) vay vốn từ năm 2016 đến nay để phát triển mô hình trang trại chăn nuôi heo giống và heo thịt. Năm 2020 và 2021, ông tiếp tục vay thêm vốn để mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi, hiện nay dư nợ còn 800 triệu đồng. Nhờ chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế đạt cao. Hàng năm, ông bán hàng trăm con heo thịt cho thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.
Nhờ nguồn vốn ngân hàng, ông Huỳnh Hữu Quyết (thôn Nhơn Bông, xã Ayun) có điều kiện đầu tư vào trang trại chăn nuôi heo giống và heo thịt. Ảnh: Thanh Nhật
Nhờ nguồn vốn ngân hàng, ông Huỳnh Hữu Quyết (thôn Nhơn Bông, xã Ayun) có điều kiện đầu tư vào trang trại chăn nuôi heo giống và heo thịt. Ảnh: Thanh Nhật
Tương tự, ông Tũy (dân tộc Bahnar, làng Đak Ó, xã Kon Chiêng) cũng nhờ vay vốn ngân hàng để chuyển đổi mô hình sản xuất mà thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ông bộc bạch: “Năm 2013, mình vay 30 triệu đồng để trồng cà phê. Nhà mình đã quyết tâm làm ăn để ổn định cuộc sống nên vừa trả được nợ vay đúng kỳ hạn theo hợp đồng, vừa tiếp tục vay thêm để duy trì đầu tư chăm sóc vườn cà phê 800 cây và 400 trụ hồ tiêu. Gia đình có thu nhập 80-100 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí. Gia đình mình mới xây dựng được nhà ở khang trang, cuộc sống ngày càng ổn định”.
Đề cập một số giải pháp trong thời gian tới, ông Trần Trọng Toàn cho biết: “Giai đoạn 2021-2025, đơn vị tiếp tục tập trung đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển khách hàng hộ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chú trọng các chính sách khách hàng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, triển khai hiệu quả dịch vụ hàm lượng công nghệ cao và hướng dẫn khách hàng đăng ký sử dụng. Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tiện ích, đáp ứng nhu cầu khách hàng, phù hợp sự phát triển kinh tế-xã hội chung của huyện nhà”.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.