Cà phê đặc sản giúp nâng tầm cà phê Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 10-3, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam nhằm tìm hướng phát triển mới cho sản phẩm cà phê.
 
Thu hoạch cà phê đặc sản ở Đắk Lắk
Cà phê nhiều, chất lượng chưa cao
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đến năm 2017, diện tích cà phê cả nước đạt trên 664.000ha, sản lượng trên 1,5 triệu tấn/năm, trong đó 5 tỉnh Tây Nguyên có diện tích 577.000ha, chiếm 89,6%. Lợi ích từ cây cà phê mang lại cho người trồng khá cao, do vậy phần lớn các hộ đầu tư thâm canh không đúng quy trình kỹ thuật, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lãng phí nguồn nước tưới. Điều tra mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, tại vùng Tây Nguyên, tổng tổn thất trong toàn bộ chuỗi sản xuất và chế biến cà phê nhân vào khoảng 11,85% về khối lượng (tương ứng 15,21% về giá trị). Nếu xét theo niên vụ 2016-2017, tổng sản lượng cà phê Tây Nguyên là 1,37 triệu tấn và giá trị xuất khẩu là 45.000.000 đồng/tấn thì tổn thất về kinh tế lên đến 9.377 tỷ đồng.
Cả nước hiện có 150 doanh nghiệp xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà phê, trong đó có 13 doanh nghiệp FDI nhưng chỉ 1/3 số doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu... Cà phê nhân sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu (chiếm 90%), nhưng hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam bán hàng thông qua 26 đầu mối và doanh nghiệp nước ngoài mà chưa tiếp cận trực tiếp với các nhà rang xay thế giới…
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng, trong chính sách phát triển cà phê, chúng ta còn chạy theo số lượng là chính. Việc sản xuất cà phê chưa chú trọng chất lượng, người ta khi mua hàng thì xếp hạng vào nhóm cà phê chất lượng thấp và thể hiện ở giá “trừ lùi”, còn các quốc gia khác thì cộng thêm. “Lâu nay chúng ta đối xử với hạt cà phê tầm thường quá, khi hái xanh đỏ ào ào, tuốt hết mà đòi mua giá cao sao được”, ông Minh nhấn mạnh.
Hướng đi tất yếu
Từ phân tích nói trên, ông Trịnh Đức Minh cho rằng, chúng ta phải nâng tầm vị thế ngành cà phê bằng chất lượng. Chính nhờ chất lượng thì uy tín, danh tiếng trên thế giới mới cao, lúc đó chúng ta mới có vị thế để thương lượng, mua bán trên thế giới. Cà phê đặc sản có 10 tiêu chí để đánh giá, với thang điểm 100 và phải đạt được trên 80 điểm. Cho rằng thị trường cà phê đặc sản thế giới có nhiều triển vọng, tuy nhiên theo ông Minh, không phải nông dân nào cũng làm cà phê đặc sản được do chi phí đầu tư cao. Hiện nay chưa có bộ tài liệu chuẩn để hướng dẫn làm cà phê đặc sản, đặc biệt là trong chế biến. Hiệp hội sẽ tìm những nguồn giúp để xây dựng bộ tài liệu tập trung hỗ trợ người sản xuất. Đồng thời, sẽ mời công ty và các nhóm nông dân liên kết với nhau để có hướng tiêu thụ bền vững, thậm chí liên kết trực tiếp giữa người sản xuất ở tỉnh và những nhà rang xay ở TPHCM.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cà phê đặc sản là những dòng cà phê riêng có hương vị đặc biệt và được các khu vực thị trường ưa thích. Nếu tạo ra được hương vị đặc biệt thì giá sẽ được đẩy lên rất cao và như vậy sẽ phân chia được lợi nhuận cho người nông dân. Thực tế tại Đắk Lắk, cà phê đặc sản đã triển khai ở một số vùng, bắt đầu từ việc liên kết sản xuất tạo ra những dòng cà phê mang thương hiệu riêng. Hiện nay một số vùng người nông dân sản xuất cà phê hữu cơ, loại cà phê phục vụ cho cà phê đặc sản và đã thu lợi hơn sản xuất cà phê truyền thống.
Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê đặc sản tại Việt Nam hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (TP Buôn Ma Thuột), cho rằng, chất lượng và thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam vẫn chưa được nhiều nhà rang xay biết đến; còn người tiêu dùng trong nước thì vẫn chưa hiểu được cà phê đặc sản. Người sản xuất thực hiện quy mô nhỏ nên chi phí cao; giá trị giao dịch thành công hiện nay chỉ vừa đảm bảo chi phí. Ông Huy mong muốn có sự liên kết giữa người sản xuất với nhà rang xay và chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu cà phê đặc sản đến người tiêu dùng.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết, trong 2 năm qua, hiệp hội đã gửi nhiều mẫu cà phê ra thế giới, được đánh giá rất cao, đủ điều kiện để sản xuất cà phê đặc sản. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đánh giá tổng quan về thổ nhưỡng, khí hậu, giống, phương thức canh tác; phải đảm bảo chất lượng, nếu không sẽ làm mất uy tín.

Hữu Phúc- Đông Nguyên (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.