Nắng hạn kéo dài,nông dân Gia Lai làm việc xuyên Tết trên vườn cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đầu năm mới, trong khi người ta nô nức đi chúc Tết họ hàng, làng xóm thì nhiều hộ trồng cà phê ở Gia Lai lại kéo máy ra vườn để tưới nước cho cây trồng.
Thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cũng chính là lúc mùa tưới ở Gia Lai bắt đầu vào cao điểm. Nhiều năm trước, khi lượng nước vẫn đều đặn đổ về lấp đầy sông, suối quanh các vườn cà phê, người dân nơi đây không cần quá vất vả trong việc tìm kiếm nguồn nước.
Thế nhưng 4 năm trở lại đây, lưu lượng nước giảm mạnh, rất nhiều sông, suối cạn đáy khiến người trồng cà phê ở Gia Lai điêu đứng.
“Tưới nước là công đoạn quan trọng nhất, quyết định sản lượng quả cho cây cà phê. Nếu tưới nước không đủ sẽ khiến cây bị giới hạn sức chịu ẩm và khó phục hồi được trạng thái khỏe mạnh sau khi thu hoạch. Lúc này cây không đủ khỏe để phân hóa mầm hoa, thậm chí có thể chết”, ông Trần Quang Thủy (xã Ia Tô, Ia Grai, Gia Lai) cho biết.
Không như những cây công nghiệp dài ngày khác, cà phê có nhu cầu nước rất cao, chính vì vậy người trồng cũng tốn nhiều công sức và chi phí để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho cây trồng. Vào ngày đầu năm mới, khi người dân nô nức đi chơi xuân, chúc Tết thì rất nhiều hộ trồng cà phê ở huyện Ia Grai lại quyết định kéo máy ra vườn cà phê.
Thời điểm Tết cũng là lúc mùa tưới cà phê bắt đầu vào cao điểm.
Hơn 2 năm nay, gia đình ông Lê Văn Tân (xã Ia Bă, Ia Grai) gần như không có một cái Tết trọn vẹn. Khi người ta kéo máy tưới về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết thì ông Thiện mới kéo máy ra con suối gần vườn cà phê hơn 2.000 cây của gia đình để chuẩn bị tưới.
“Nước bây giờ rất hiếm, khi người ta nghỉ Tết, ít người tưới, mình tranh thủ thì mới đủ nước cho mấy nghìn cây cà. Còn không thì cứ tưới được một lúc lại hết nước, phải dừng lại, vừa tốn thời gian lại tốn chi phí nhiều hơn”, ông Tân cho biết.
Năm nay, ông Tân quyết định tưới xuyên Tết vì lo lắng nước sẽ không về kịp khi các hộ dân khác quay lại công việc sau những ngày nghỉ ngơi.
“Gia đình tôi mới mua giàn béc tưới (dạng ống tưới phun mưa – PV). 29 Tết tôi lắp béc xong rồi nổ máy cho nó tự hoạt động, về nhà lo Tết cùng vợ con, vài tiếng ra chuyển béc một lần. Tuy có tốn kém hơn một chút nhưng mình có thể tưới liên tục qua Tết mà không phải túc trực thường xuyên”, ông Tân chho biết.
Không có điều kiện lắp béc tưới như ông Tân, anh Lê Văn Vương (xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) chấp nhận đón năm mới trên vườn cà phê của gia đình vì tưới bằng ống. Sau khi chúc Tết một số hàng xóm thân quen vào sáng mùng 1, anh Vương đã vội vàng đi nổ máy tưới nước.
Theo anh Vương, tưới cà phê bằng ống nước vất vả hơn rất nhiều so với viêc tưới bằng béc vì người nông dân vừa phải canh máy, vừa tự kéo và ráp ống.
“Vì nguồn nước khan hiếm nên chúng tôi phải chọn nơi có lượng nước ổn định để đặt máy tưới, có khi địa điểm đặt máy tưới cách vườn đến gần 5km. Lúc đó nếu chỉ dùng 1 máy hút nước là không đủ, phải thêm 1 máy nữa đặt ở giữa có nhiệm vụ đẩy nước lên. Vất vả thế nhưng cũng phải chấp nhận vì nếu không có nước cây cà sẽ chết. Chúng tôi ở đây nguồn thu chủ yếu là cà phê, nếu nó chết thì chắc cả nhà tôi chết theo”, anh Vương cho biết.
Không chỉ vất vả trong giai đoạn đặt máy tưới, việc tìm kiếm nguồn nước đối với người trồng cà phê cũng gian nan không kém. Theo anh Vương, trước Tết, một số hộ dân có vườn ở đầu nguồn các con suối thường dùng bao cát chặn nước lại để tạo thành hồ. Chính vì thế, cứ khoảng 21h – 24h hàng ngày, các gia đình phía dưới hạ nguồn muốn có nước chảy về phải men theo dòng chảy phải đi lên phía trên tháo nước về.
“Chúng tôi hay gọi vui với nhau là cướp nước. Tết người ta nghỉ hết, không có ai giành nước của mình nên phải tranh thủ mà tưới. Hết Tết rồi họ ra máy ồ ạt, lúc đó mình không có nước đâu”, anh Vương tâm sự.
Tạm dừng việc tưới nước vào chiều 30 Tết để về nhà nghỉ ngơi, nhưng ông Trần Quang Thủy (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) vẫn không thôi lo lắng khi vẫn còn kha khá cây cà chưa kịp tưới.
Cà phê phải tưới liên tục cho đến khi có mưa xuống mới có thể dừng.
Ông Thủy cho biết, cà phê phải được tưới liên tục cho đến khi có mưa xuống mới ngừng. Nhưng với tình hình thời tiết diễn biến thất thường như những năm qua, người dân đã không còn đoán được thời điểm cơn mưa đầu tiên sẽ trút xuống Tây Nguyên nữa. Vì vậy, mùa tưới với họ cứ kéo dài bất tận.
“Phải tranh thủ lúc người ta nghỉ Tết mà tưới chứ biết bao giờ mới có mưa. Chúng tôi chỉ nghỉ ở nhà ngày mùng 1 để đi chúc Tết anh em, hàng xóm. Đến ngày mùng 2 lại ra vườn nổ máy tưới tiếp cho xong, chứ nhìn trời nắng thế này xót cây cà lắm”, ông Thủy chia sẻ.
Theo ông Đào Lân Hưng (Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), tổng diện tích cà phê của huyện là 17.587 ha. Trong đó cà phê đang kinh doanh là 15.669 ha, còn lại là cà phê tái canh.
“Năng suất cà phê năm 2018 của toàn huyện ước tính giảm đến 2.000 tấn nhân, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết thất thường. Không chỉ cà phê, thời tiết cũng khiến hàng trăm ha diện tích tiêu và các cây trồng khác bị hư hại nghiệm trọng", ông Hưng cho biết.
Tân Nguyên (VTC News)

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.