Hạn hán đe dọa sản xuất ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hạn hán đang khiến nông dân Gia Lai bị thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Trong khi đó, theo nhiều dự báo hạn hán sẽ còn khốc liệt do hiện tượng El Nino hoạt động mạnh trong năm 2019.
 
Nhà máy nước Sài Gòn - An Khê có thời điểm phải tạm ngừng cung cấp nước. Ảnh: TRẦN HIẾU
Thời điểm này đang là cao điểm của niên vụ mía 2018 - 2019. Tại khu vực phía đông Gia Lai gồm các huyện Kon Chro, Đăk Pơ, Kbang và TX.An Khê, nơi có Nhà máy đường An Khê, đang đối mặt với tình trạng hạn hán từ nhiều tháng qua. Đây là nhà máy đường có công suất lớn nhất VN với mức tiêu thụ 16.000 tấn mía/ngày và đang cùng nông dân gánh chịu hậu quả của hạn hán.
Nông dân mất hàng trăm tỉ đồng
Toàn khu vực có 30.000 ha mía, là vùng nguyên liệu chủ yếu của nhà máy đường. Nhiều huyện từ vài tháng qua không có mưa, ảnh hưởng lớn đến giai đoạn mía đẻ nhánh, vươn lá, dẫn đến năng suất giảm sút mạnh. Hạn hán và thời tiết thay đổi bất thường cũng dẫn đến mía trổ cờ sớm làm giảm chữ đường. Hàng ngàn nông dân do vậy bị lỗ hoặc thu nhập giảm sút từ việc trồng mía.
Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó giám đốc Nhà máy đường An Khê, cho biết: “Theo thống kê sơ bộ thì sản lượng mía toàn vùng giảm năng suất 25 - 30%, tương đương 450.000 - 500.000 tấn. Với giá mía mua tại nhà máy hiện nay là 800.000 đồng/tấn mía cây, con số giảm như trên cho thấy nông dân đã mất hàng trăm tỉ đồng”.
Đối với mía tơ (mía trồng mới), nông dân phải đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc từ 35 - 38 triệu đồng/ha, mía lưu gốc từ 20 - 25 triệu đồng/ha. Nhiều diện tích mía tơ năm nay mất mùa, nông dân bị lỗ. Rất nhiều diện tích mía, thay vì đạt năng suất từ 80 - 100 tấn/ha những niên vụ trước thì nay giảm xuống còn khoảng 60 - 75 tấn/ha. Đáng lưu ý, hiện giá đường cũng giảm so với những năm trước, chỉ 10.000 đồng/kg, kéo theo việc giảm số tiền thu mua trên mỗi tấn mía cây. Nông dân vì thế thiệt đơn thiệt kép.
Để đối phó với tình trạng hạn hán, nông dân đã có nhiều biện pháp khắc phục như cày sâu để chống hạn, đưa phương tiện cơ giới vào quá trình sản xuất để giảm giá thành hoặc chuyển sang trồng các loại cây trồng khác... nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều.
 
Mía phát triển kém do hạn hán, dẫn đến giảm năng suất mạnh

"Mùa mưa 2019 sẽ đến muộn hơn so với quy luật nhiều năm. Các huyện phía đông, đông nam tỉnh từ nay đến giữa tháng 6 mới có mưa, dự báo khu vực này sẽ là tâm điểm về thiếu nước, khô hạn"

Ông Trần Trung Thành, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên


Thủy điện, nước sinh hoạt gặp khó
Không chỉ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, hạn hán cũng khiến thủy điện, cung cấp nước sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhà máy thủy điện An Khê - Kanak với công suất 173 MW, từ đầu năm đến nay phải hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng của hạn hán. Lượng nước về hồ không đạt như yêu cầu do khu vực này nhiều tháng qua không mưa hoặc lượng mưa không đáng kể.
Ông Đỗ Đức Hoài, Phó giám đốc Nhà máy thủy điện An Khê - Kanak, nói: “Hiện nay, hồ Kanak còn khoảng 20 - 30 triệu m3 nước trong khi dung tích bình thường đạt 290 - 300 triệu m3, nhưng vài ngày nữa chắc còn xuống hơn nữa. Nhà máy thủy điện An Khê (công suất 13 MW) đã dừng phát điện tuyệt đối từ đầu tháng 1.2019 để đảm bảo quy trình mực nước đạt 427 m tại hồ An Khê nhằm phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Sài Gòn - An Khê và xả về hạ du. Riêng thủy điện Kanak (công suất 160 MW), từ đầu năm 2019 đến nay chỉ phát điện cầm chừng, tính ra chỉ đạt 10 - 15% công suất thiết kế”.
Dù vậy, nhiều tháng không có mưa, lượng nước sông Ba xuống thấp, Công ty cổ phần nước Sài Gòn - An Khê cũng đã phải tạm ngưng cung cấp nước do mực nước lòng hồ thủy điện An Khê xuống quá thấp.
Nhà máy nước của Công ty cổ phần nước Sài Gòn - An Khê hiện có công suất 9.500 m3/ngày đêm, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho 6.000 hộ dân thuộc địa bàn TX.An Khê và H.Đăk Pơ. Ông Nguyễn Vĩnh Thi, Phó giám đốc nhà máy, cho biết: “Để đối phó với mực nước hồ chứa An Khê xuống thấp trong tình trạng hạn hán được dự báo là khốc liệt trong năm nay, chúng tôi đã mua thêm phương tiện để đặt phao nổi, đưa đường ống lấy nước ra xa hơn phía bờ hồ chứa 200 m nhằm chủ động hơn trong việc bơm nước vào xử lý, góp phần đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân”.
Hạn hán còn khốc liệt
Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND TX.An Khê, cho biết đã có báo cáo đến các cơ quan chức năng tình trạng khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt do hạn hán. “UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có công văn yêu cầu Công ty thủy điện An Khê - Kanak vận hành, điều tiết hồ chứa An Khê, Kanak để đảm bảo cho Công ty cổ phần nước Sài Gòn - An Khê phục vụ nhu cầu sử dụng nước của người dân trên địa bàn”, ông Vỹ nói.
Tuy nhiên, điều đáng lo là hiện thời tiết ở Gia Lai cũng như khu vực Tây nguyên chỉ mới đầu mùa khô, chưa phải là đỉnh hạn. Ông Trần Trung Thành, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên, nhận định: “Chúng ta đang chịu ảnh hưởng của El Nino với xác suất 70 - 75%. Như vậy các tháng tới đây, lượng mưa trái mùa sẽ ít hơn. Lo ngại hơn nữa là mùa mưa 2019 sẽ đến muộn hơn so với quy luật nhiều năm. Các huyện phía đông, đông nam tỉnh từ nay đến giữa tháng 6 mới có mưa, dự báo khu vực này sẽ là tâm điểm về thiếu nước, khô hạn”.
Chuyển đổi cây trồng phù hợp

Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Gia Lai, cho biết các địa phương của tỉnh đang tổ chức rà soát các công trình thủy lợi, đánh giá lại nguồn nước để những công trình đảm bảo nước phục vụ tưới theo năng lực thiết kế. “Những công trình thiếu nước thì rà soát lại khu vực tưới, nếu xa khu vực tưới hoặc bấp bênh dòng chảy thì chuyển đổi cây trồng hoặc không sản xuất”, ông Lương nói.

Trần Hiếu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.