Gỡ khó cho kinh tế trang trại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại (KTTT) là hai loại hình tổ chức sản xuất phổ biến trong nông nghiệp. Quan trọng là vậy, nhưng hiện nay hiệu quả của KTTT  còn thấp, nguyên nhân là loại hình sản xuất này chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, chính sách về đất đai, vốn, khoa học công nghệ... cũng là rào cản không nhỏ đối với loại hình kinh tế này.
Nông dân tham gia làm kinh tế trang trại tại Ba Đồn (Quảng Bình).
Công tác quy hoạch còn yếu
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay cả nước có khoảng 150.000 trang trại, với diện tích đất sử dụng khoảng 900.000 ha. KTTT phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Về tỷ lệ các trang trại chuyên trồng cây nông nghiệp chiếm 55,3%, chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm 10,3%, lâm nghiệp chiếm 2,2%, nuôi trồng thủy sản chiếm 27,3% và sản xuất kinh doanh tổng hợp chiếm 4,9%.
Hiện nay, hình thức KTTT đang tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia, nhưng chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình. Hầu hết các trang trại có quy mô đất đai còn hạn hẹp, vốn đầu tư tự có và vốn vay của cộng đồng; vốn vay của tổ chức tín dụng ngân hàng còn chiếm tỷ trọng thấp. Phần lớn các trang trại phát huy được lợi thế của từng vùng, kinh doanh tổng hợp.
Theo ý kiến của giới chuyên gia, quá trình phát triển KTTT còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như việc giao đất, thuê đất, chuyển nhượng, tích tụ đất, việc đăng ký hoạt động và thuế thu nhập của trang trại…khiến cho các chủ trang trại chưa thực sự yên tâm đầu tư sản xuất. Hầu hết các địa phương có trang trại phát triển chưa làm tốt công tác quy hoạch sản xuất, cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông, điện nước sinh hoạt, xúc tiến thương mại… còn kém phát triển. Trong khi phần lớn chủ trang trại còn thiếu thông tin về thị trường nông sản, khoa học kỹ thuật và quản lý, thiếu vốn sản xuất để phát triển lâu dài, thường lúng túng và chịu thua thiệt khi giá nông sản xuống thấp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, thường xuyên lặp lại điệp khúc “được mùa rớt giá” đôi khi phải nhờ “giải cứu”.
TS Lê Văn Bảnh- nguyên Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, mặc dù giá trị sản xuất hàng hóa bình quân một trang trại khá lớn nhưng số có thu nhập cao chỉ tập trung ở một số loại hình trang trại chăn nuôi, thủy sản còn các loại hình trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, kinh doanh tổng hợp thì giá trị sản xuất thấp, do chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, chưa qua chế biến, chế biến sâu nên giá bán thấp, sức cạnh tranh yếu, nhiều chủ trang trại chưa nắm được nhu cầu thị trường nên sản xuất thụ động.
Ông Bảnh đánh giá, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của DN nông nghiệp còn yếu do còn thiếu thông tin về thị trường và các quy định của thương mại quốc tế, thường gặp khó khăn từ các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu thuộc thị trường khó tính. Đến nay, danh mục sản phẩm nông nghiệp uy tín trên thị trường quốc tế của Việt Nam rất ít. Do vậy, dẫn đến khả năng tiếp cận thị trường của các DN nông nghiệp bị hạn chế.
Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi
Ông Nguyễn Văn Tiến- Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để cho KTTT phát triển cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa và năng lực làm chủ sản xuất kinh doanh, phát triển KTTT, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có trình độ năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý về ruộng đất để cho các nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ. Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách liên quan đến thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo TS. Lê Văn Bảnh, để giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”, ngoài việc nắm bắt thông tin thị trường trong nước và nước ngoài cần chủ động hơn bằng giải pháp thành lập dạng “tổ hợp”, “cụm liên hoàn”, tập hợp các DN và các dơn vị kinh doanh cùng với các tổ chức tương tác qua lại trong một lĩnh vực cụ thể. Xung quanh nhà sản xuất hình thành các nhà cung cấp chuyên môn hóa các phụ kiện và dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng. Cùng với các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp tập trung có sự tham gia của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ như các trường đại học, các viện công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề…cung cấp các dịch vụ đào tạo chuyên môn, giáo dục, thông tin, nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật. Trong đó, các trang trại là một phần quan trọng sẽ tham gia tích cực vào các cụm liên hoàn này.
Cùng đó cần phải tổ chức liên kết hợp tác thích hợp, đó là câu lạc bộ trang trại để cùng nhau học tập, trao đổi, giúp đỡ nhau về khoa học, công nghệ, về kinh nghiệm sản xuất, quản lý, thông tin thị trường, giá cả…kịp thời, hiệu quả. Phải xây dựng quy trình sản xuất từ khâu giống đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản tạo ra nông sản, thực phẩm sạch, an toàn lương thực, thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP để sản phẩm của ta có thể cạnh tranh và tiêu thụ cả ở trong nước và nước ngoài, cũng chính là chúng ta đã chủ động bước vào hội nhập, làm tăng giá trị nông sản hàng hóa...   
Lam Hồng (Đại đoàn kết)

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.