Ia Lang "khát" công trình thủy lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Ia Lang (huyện Đức Cơ, Gia Lai) có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế của xã thời gian qua vẫn chưa phát triển như mong đợi. Một trong những nguyên nhân là do xã thiếu công trình thủy lợi để đảm bảo nước tưới cho các loại cây trồng.
Xã Ia Lang có khoảng 4.450 người, trong đó 65% là đồng bào dân tộc Jrai. Những năm gần đây, thu nhập của người dân trong xã có tăng nhưng không đáng kể và vẫn ở mức thấp. Đơn cử trong năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30,2 triệu đồng, không đạt chỉ tiêu đề ra. Vậy đâu là nguyên nhân?
 Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri xã Ia Lang. Ảnh: H.A.P
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri xã Ia Lang. Ảnh: H.A.P
Về điều kiện đất đai, khí hậu, những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế thì xã Ia Lang rất thuận lợi. Xã có hàng ngàn héc ta đất có khả năng trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cà phê, hồ tiêu và những loại cây lương thực, thực phẩm khác như: lúa nước, bắp, đậu đỗ… Cơ cấu cây trồng phong phú là điều kiện để hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm, góp phần nâng cao thu nhập. Nhưng trong thực tế hiện nay, xã Ia Lang chưa làm được điều này vì còn nhiều hạn chế, cả về chủ quan lẫn khách quan.
Về công tác quy hoạch và lập quy hoạch, Ia Lang đã thực hiện trong giai đoạn 2008-2011. Tuy nhiên, đến nay, một số điểm quy hoạch và công trình quy hoạch không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của xã. Mặt khác, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Do đó, trình độ sản xuất của hầu hết người dân còn thấp và còn mang nặng yếu tố tự phát. Có thể đưa ra đây những ví dụ: diện tích cà phê ở Ia Lang hiện tại là 968 ha, trong khi quy hoạch chỉ là 291,3 ha; diện tích hồ tiêu là 140,7 ha, vượt quy hoạch trên 90 ha; diện tích điều 854,9 ha, quy hoạch là 485,8 ha; diện tích cao su là 510,9 ha, trong khi quy hoạch là 455,3 ha… Thực tế này cho thấy, diện tích những loại cây trồng chủ yếu ở Ia Lang vượt rất cao so với quy hoạch của địa phương nên khi có những biến động về thời tiết, giá cả… thì rất dễ gây ra thiệt hại lớn cho người dân. Điển hình, Ia Lang có 9,5 ha đất thường xuyên bị hạn hán, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi từ cây công nghiệp dài ngày sang trồng các loại cây ngắn ngày như bắp, đậu các loại nhưng vẫn chưa hiệu quả. Một thực tế khác là tình trạng cây hồ tiêu ở Ia Lang bị bệnh chết nhanh, chết chậm đang xảy ra trên diện rộng. Đến nay, trên địa bàn xã có đến hơn 203 ngàn trụ hồ tiêu (tương đương với hơn 101 ha) đã chết, gây tổn hại rất lớn cho các hộ sản xuất…
Về khách quan, Ia Lang có điều kiện rất thuận lợi để xây dựng một công trình thủy lợi, đó là đập ngăn nước tại làng Phan nhưng hiện chưa được đầu tư. Theo ông Hà Xuân Minh-Chủ tịch UBND xã, nếu công trình thủy lợi này được đầu tư thì việc phát triển kinh tế ở địa phương sẽ rất thuận lợi, ổn định lâu dài. Bởi lẽ, công trình có khả năng tưới cho hàng ngàn héc ta cây trồng, kể cả cây công nghiệp ngắn, dài ngày và lúa nước trên địa bàn xã, không còn lo hạn hán. Ông Minh cũng cho biết thêm, trong đợt hạn hán lịch sử diễn ra trên địa bàn năm 2016, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Sở Nông nghiệp và PTNT đã xuống khảo sát sơ bộ và đã đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng đập ngăn nước với dự kiến kinh phí là 40 tỷ đồng. Nhưng từ đó đến nay, chưa có thông tin gì về dự án này.
Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây, người dân xã Ia Lang đã kiến nghị Nhà nước cần đầu tư công trình thủy lợi làng Phan càng sớm càng tốt. Bởi công trình này không những sẽ giúp người dân trong xã chủ động gần như toàn bộ nguồn nước tưới cho cây trồng, tránh những thiệt hại trong sản xuất nếu có hạn hán, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Hoàng Anh Phượng

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.