Giải bài toán chăn nuôi heo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2017 là “năm thảm họa” của ngành chăn nuôi heo. Giá heo hơi rớt thê thảm, người nuôi heo rơi vào cảnh khốn đốn. Nhưng từ tháng 4-2018, giá heo hơi đã tăng trở lại, thậm chí tăng cao so với giá heo thế giới, khiến lượng thịt heo nguyên con và thịt heo chế biến dồn dập đổ về Việt Nam.
Thị trường là như vậy, chúng ta phải chấp nhận. Và trong khi chấp nhận thực tế thì chúng ta cần tìm phương án để giải bài toán cho ngành chăn nuôi heo. Không thể phủ nhận, từ trước tới nay, Việt Nam vẫn nuôi heo theo kiểu truyền thống, nuôi ở hộ gia đình là chính. Những trang trại hay cơ sở nuôi heo công nghiệp, nuôi heo công nghệ cao còn rất ít.
Cần tìm phương án để giải bài toán cho ngành chăn nuôi heo (ảnh internet)
Cần tìm phương án để giải bài toán cho ngành chăn nuôi heo (ảnh internet)
Ở phân khúc thịt heo công nghiệp, chúng ta đã thua thế giới rất nhiều. Họ nuôi heo với chi phí hợp lý, cộng với những dây chuyền công nghệ khiến “đầu vào” được tính ở mức tối ưu nhất, chất lượng thịt heo được bảo đảm. Do đó, họ có đầu ra ổn định.
Vì thế, thông tin từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Gia Lai đã thu hút được 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 17.480 con heo nái, mỗi năm sản xuất 349.600 con heo thương phẩm và 37.700 con heo thịt khiến chúng ta rất vui mừng. Gia Lai là địa phương có điều kiện địa lý và khí hậu thích hợp để chăn nuôi heo đàn theo hướng công nghệ cao. Vấn đề là phải có những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và phải có đủ điều kiện kỹ thuật, trong đó đặc biệt phải chuẩn bị được giống heo tốt, quy trình nuôi heo phải theo đúng tiêu chuẩn VietGAP để đầu ra của thịt heo và heo giống được bảo đảm.
Dù thịt heo tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu thì yêu cầu chất lượng cũng phải được nâng cao. Bây giờ, khi mỗi năm Việt Nam phải bỏ nhiều tỷ đô la để nhập khẩu thịt, trong đó có thịt heo, thì sự cạnh tranh về chất lượng và giá thịt trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt. Với thị trường, đã có cầu ắt có cung, chuyện nhập khẩu thịt không thể ngăn chặn được. Vấn đề chỉ còn là phải chấp nhận cạnh tranh.
Với những hộ chăn nuôi gia đình, nếu chúng ta chuyển được sang nuôi heo giống và heo thịt truyền thống chất lượng cao, nuôi “sạch” đúng nghĩa, kể cả nuôi theo organic (hữu cơ) thì khả năng có đầu ra vẫn rất cao. Người tiêu dùng bây giờ kén chọn hơn rất nhiều và sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để có những sản phẩm tốt nhất, sạch nhất. Đó là một xu hướng sẽ phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Trong khi đó, nuôi heo đàn theo hướng công nghệ cao để cạnh tranh với thịt heo nhập ngoại lại phải tính toán rất kỹ để có lời khi thức ăn chăn nuôi hầu như phải nhập khẩu toàn bộ. Nói như một chuyên gia thì do Việt Nam không đủ điều kiện và khả năng để trồng bắp hay đậu nành ở tầm diện tích rất lớn phục vụ thức ăn gia súc nên nhập ngoại vẫn là phương án có lợi nhất. Vấn đề là phải làm sao để có quy trình nuôi heo hợp lý nhất, khoa học nhất nhằm tiết kiệm và tối ưu hóa, để thịt heo thương phẩm có thể cạnh tranh với thịt heo nhập ngoại.
Những hiệp định thương mại mà Việt Nam ký với thế giới trong khi mang lại những lợi ích cho đất nước thì cũng không tránh khỏi những bất lợi, những thách thức nhiều khi khắc nghiệt. Đã là hiệp định thì mỗi bên đều có phần lợi và phần thiệt của mình, không ai được lợi toàn bộ hay bị thiệt mọi bề.
Vì vậy, bài toán chăn nuôi heo phải được giải theo 2 hướng: Thứ nhất là chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao, đạt tầm chất lượng quốc tế để cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập hay bảo đảm xuất khẩu tốt. Hai là chăn nuôi theo hộ gia đình nhưng sản phẩm thịt heo phải là đặc sản, độc đáo, thu hút người tiêu dùng phân khúc khá giả. Cả 2 hướng giải bài toán này đều không dễ, nhưng nếu giải được thì giá heo hơi Việt Nam mới bền vững, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi, tránh được tình trạng giá heo rơi tự do, hay đột ngột tăng giá mà vẫn khiến người chăn nuôi muôn vàn thắc thỏm. 
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.