Vai trò của HTX kiểu mới trên vùng mía lớn nhất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
HTX kiểu mới ra đời với phương thức hoạt động liên kết chuỗi tất cả các khâu từ cung ứng vật tư nông nghiệp, làm đất, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển cây mía của nông dân về NM, việc bỏ qua khâu trung gian...
Tỉnh Gia Lai hiện có vùng nguyên liệu mía lớn nhất nước với khoảng 30.000ha. Lâu nay, cả đầu vào lẫn đầu ra của cây mía lệ thuộc vào khâu trung gian, do đó giá thành sản phẩm tăng cao, là bất lợi lớn cho người trồng mía trong bối cảnh ngành mía đường Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với đường nhập khẩu.  
HTX, cứu cánh cho ngành mía đường
Trong tình hình đó, HTX kiểu mới ra đời với phương thức hoạt động liên kết chuỗi tất cả các khâu từ cung ứng vật tư nông nghiệp, làm đất, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển cây mía của nông dân về NM, việc bỏ qua khâu trung gian vừa làm giảm chi phí, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng mía.
Bát ngát xanh vùng mía Đông Gia Lai
Bát ngát xanh vùng mía Đông Gia Lai
Theo chủ trương của Gia Lai, tại mỗi xã trồng mía sẽ thành lập 1 HTX kiểu mới. Các HTX sẽ là “cầu nối” giữa người trồng mía và NM Đường An Khê (thuộc Cty CP Đường Quảng Ngãi). Thông qua HTX, người trồng mía sẽ được nhận vốn đầu tư trực tiếp từ NM và được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phương tiện cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc và thu hoạch mía.
Như vậy, không còn phải qua khâu trung gian và tiết kiệm được công lao động, chi phí đầu vào giảm thiểu, người trồng mía có lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, NM được các HTX hỗ trợ trong tuyên truyền, vận động người trồng mía dồn điền hợp thửa để có những cánh đồng mía lớn, giúp ổn định vùng nguyên liệu và thực hiện 4 chương trình lớn là: Cơ giới hóa, hóa học hóa, sinh học hóa và tối ưu hóa công tác quản lý trong SX, chế biến mía đường.
Ông Nguyễn Hoàng Phước, PGĐ NM Đường An Khê, cho biết: “Trong tiến trình cơ hóa hóa đồng bộ SX mía, HTX rất quan trọng trong định hướng phát triển vùng nguyên liệu của NM, vận động các xã viên dồn điền hợp thửa để xây dựng những cánh đồng lớn trồng mía; đồng thời HTX thúc đẩy các thành viên thực hiện cơ giới hóa đồng bộ SX mía để giải quyết vấn nạn thiếu lao động”.
Cũng theo ông Phước, trước khi có HTX kiểu mới, NM phải làm việc trực tiếp với các hộ trồng mía, nhiều lắm là với nhóm hộ. Kiểu làm việc manh mún này không tạo ra được lực bứt phá mạnh mẽ. Khi đã có HTX kiểu mới “cầm chịch”, người dân đồng thuận cao hơn. Khi hoạt động có hiệu quả, HTX kéo được về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo động lực để bứt phá.
Cơ giới hóa khâu chăm sóc mía ở Gia Lai
Cơ giới hóa khâu chăm sóc mía ở Gia Lai
“Hiện trong vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai của NM Đường An Khê có 45 xã trồng mía. Đến nay, đã thành lập được 20 HTX kiểu mới. Hiện các HTX đang phối hợp chặt chẽ với NM đưa cây mía đi vào lộ trình phát triển ổn định”, ông Phước cho hay.  
Mô hình "kiềng ba chân": HTX- xã viên- nhà máy đường
HTX kiểu mới chuyên về cây mía ở Gia Lai được thành lập theo hình thức những người đồng sở thích trồng mía cùng chung tay tạo nên 1 tập thể, cùng nhau hoạch định phương án hoạt động. Hầu hết các HTX đều đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động, tuy nhiên vẫn đặt nặng phục vụ SX và tiêu thụ mía cho các thành viên.
Ví như HTX Tú An 1, thuộc xã Tú An (TX An Khê) thành lập ngày 28/7/2017, hoạt động ngày 1/1/2018. Xuất phát từ tình trạng SX mía trên địa bàn quá manh mún, mối liên kết giữa người trồng mía và NM lỏng lẻo, nên việc tiêu thụ mía của bà con gặp trắc trở. Thế là những người cùng sở thích ở Tú An cùng chung tay thành lập HTX kiểu mới, liên kết với NM Đường An Khê, được cung ứng vật tư đầu vào và phương tiện cơ giới, mía được NM bao tiêu.
Ông Lê Văn Bộ, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX Tú An 1, chia sẻ: “Đã là những người cùng sở thích chung sức vào làm, nên rất dễ đạt được những đồng thuận. Khi chưa có HTX, trong niên vụ ép, số lượng mía nông dân nhập vào NM rất ít. Bây giờ HTX đứng ra đăng ký sản lượng, NM phân bổ phiếu đốn về HTX từng ngày, HTX phân bổ lại cho hộ trồng mía.
Ông Lê Văn Bộ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tú An 1 trao đổi với PV
Ông Lê Văn Bộ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tú An 1 trao đổi với PV
Niên vụ mía 2017 – 2018 vừa qua, HTX Tú An 1 đã cung ứng cho NM 14.500 tấn mía nguyên liệu, khoảng từ 100 – 120 tấn/ngày; trong khi trước đây, mỗi niên vụ người dân ở đây chỉ bán cho NM khoảng 2.000 tấn mía. Hiện bà con đang tiếp tục đầu tư SX cho niên vụ ép 2018 – 2019, mía đang phát triển tốt”.
Sau khi thấy HTX hoạt động hiệu quả, ngoài 45 thành viên chính thức, HTX Tú An 1 còn thu hút được nhiều nhóm thành viên liên kết với khoảng 600 người. Trong quá trình SX, HTX phối hợp với NM cung ứng cho các nhóm thành viên liên kết tất cả các dịch vụ đầu vào, chăm sóc, thu hoạch đến vận chuyển mía về NM.
“Hầu hết các thành viên chính thức của HTX đều có phương tiện vận tải, hiện đang có 25 chiếc xe tải 4 chân luôn sẵn sàng phục vụ vận chuyển mía của các thành viên HTX. Vào niên vụ ép, mỗi ngày HTX phát phiếu đốn và vận chuyển được 5 – 7 xe, mỗi xe bình quân 25 tấn, cung ứng cho NM từ 100 đến 120 tấn mía cây/ngày”, ông Bộ cho biết.

Nhằm phát huy vai trò HTX trong SX mía theo hướng SX hàng hóa tập trung, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đa dạng hóa các hình thức liên kết, tổ chức SX và tiêu thụ, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh; UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-UBND về kế hoạch phát triển HTX kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2017-2020.

Mục tiêu của Gia Lai là phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 126 HTXNN, trong đó có trên 60% số HTXNN khá giỏi, hạ thấp tỷ lệ HTX hoạt động trung bình và xóa HTX yếu kém. Phấn đấu mỗi huyện, TP xây dựng ít nhất 1 mô hình HTX điển hình để nhân rộng; mỗi xã xây dựng NTM có ít nhất 1 HTX hoạt động có hiệu quả theo tiêu chí số 13 của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.

Vũ Đình Thung (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.