Thêm cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh ta. Nhiều năm trước, loại cây này cho giá trị kinh tế cao nên người dân ồ ạt trồng dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Không những thế, người dân còn sử dụng nhiều giống hồ tiêu không rõ nguồn gốc, giống không đảm bảo chất lượng là một trong những nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Hơn 2 năm trở lại đây, giá hạt tiêu xuống thấp, cộng với hàng ngàn héc ta hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất hồ tiêu của tỉnh. 
Dưa trồng trong nhà lưới. Ảnh: Hà Duy
Dưa trồng trong nhà lưới. Ảnh: Hà Duy
Không chỉ cây hồ tiêu, nhiều loại cây trồng thế mạnh của tỉnh như cà phê, mì... cũng đang đối mặt với khó khăn trong sản xuất, nhất là tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động ký hợp đồng đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm với nông dân nhằm tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đôi bên cùng có lợi. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm gồm 104 dự án. Theo đó, khi thực hiện dự án, doanh nghiệp cam kết tiêu thụ sản phẩm, còn nông dân sản xuất nông sản chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo nghị định này, việc hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết (tối đa 300 triệu đồng), bao gồm: tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang-thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ khuyến nông, tập huấn kỹ thuật, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.
Cũng theo nghị định này, ngân sách hỗ trợ tối đa lên đến 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi với tổng mức hỗ trợ tối đa lên tới 10 tỷ đồng. Nguồn kinh phí, mức hỗ trợ trên thực hiện theo các kế hoạch, chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng-chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư và nguồn vốn từ các chương trình, dự án hợp pháp khác. 
Theo ông Y Nguyên-Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT), để triển khai Nghị định số 98 của Chính phủ, ngày 3-10-2018, UBND tỉnh đã có Công văn số 2194/UBND-NL chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng triển khai những nội dung cần thiết. “Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan để xây dựng danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ và trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phê duyệt hỗ trợ liên kết theo quy mô vốn đầu tư và địa bàn thực hiện liên kết. Ủy ban nhân dân các địa phương sẽ phê duyệt các dự án liên kết trên địa bàn theo thẩm quyền”-ông Nguyên thông tin thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Tất Thắng-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thiện (huyện Phú Thiện) nhận định: “Nếu có những chính sách hỗ trợ như vậy thì quá tốt, nông dân sẽ là đối tượng hưởng lợi đầu tiên, sẽ an tâm sản xuất và không còn lo vấn đề đầu ra cũng như những vấn đề liên quan tới giống, kỹ thuật”.
Kim Linh

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.