Đất cằn cho quả ngọt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vùng đất khô cằn sỏi đá bên đèo Tô Na tưởng chừng như chỉ để cho cây bụi và cỏ dại mọc nhưng qua bàn tay khai phá của người dân nơi đây đã trở thành những vườn cây ăn quả tươi tốt, cho thu nhập cao.
“Vua cam” dưới chân đèo Tô Na
Dọc quốc lộ 25, sát chân đèo Tô Na (thuộc địa phận xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, Gia Lai) có trang trại cam của ông Phan Văn Khanh rộng hơn 6 ha. Đây có lẽ là vườn cam lớn nhất vùng Đông Nam tỉnh.
Vốn là một “thợ rừng” có tiếng ở thị xã Ayun Pa, ông Khanh thấm thía việc “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Vì thế, ông đã quyết định “rửa tay gác kiếm” về mua mảnh đất rộng hơn 6 ha cằn cỗi sỏi đá sát chân đèo Tô Na để trồng cam. Bán cả xưởng cưa, bỏ hết vốn liếng dành dụm hơn 3 tỷ đồng, ông Khanh lặn lội hết trong Nam ngoài Bắc để học nghề trồng cam, quyết chí gầy dựng vườn cam đầu tiên trên vùng đất đèo sỏi đá.
  Vườn cam bạt ngàn của ông Phan Văn Khanh dưới chân đèo Tô Na. Ảnh: Đ.P
Vườn cam bạt ngàn của ông Phan Văn Khanh dưới chân đèo Tô Na. Ảnh: Đ.P
Sau khi nắm vững kinh nghiệm, ông Khanh vào tận Tây Nam bộ mua giống cam rồi ra miền Bắc mua giống quýt, bưởi về trồng phủ kín hơn 6 ha đất rẫy. Khi chúng tôi đến, vườn cam hơn 3 năm tuổi của ông Khanh đã xanh um, cây cao lút đầu người, lúc lỉu quả chuẩn bị thu vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nếu cách đây hơn 3 năm, ít ai dám nghĩ trên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này lại có thể trồng được vườn cam bạt ngàn xanh tốt như thế.
Bà Hồng (vợ ông Khanh) cho hay, lúc đầu nghe chồng bàn chuyện bỏ ra cả tỷ đồng mua hơn 6 ha đất đồi dốc sỏi đá để làm rẫy thì cả nhà đều can ngăn. Nhưng ý ông đã quyết thì không ai cản nổi. Mua được đất rồi, ròng rã hơn nửa năm trời, ông Khanh thuê máy múc đào hồ giữ nước; thuê nhân công, máy gạt về san ủi, nhặt đá, làm đất… “Người đâu say cam đến lạ, suốt ngày quần quật ngoài vườn. Khi cam bị bệnh thì ổng đi “thỉnh” chuyên gia khắp nơi về để chạy chữa, có lúc bỏ cả ăn. Ngốn hết hơn 3 tỷ đồng vào vườn cam rồi, mỗi lần bón phân, làm cỏ hết cả trăm triệu đồng chứ ít gì”-bà Hồng nói.
Sau hơn 3 năm gắn bó với cây cam, ông Khanh giờ đã gần như thuần thục kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây ăn quả này. Ông cho biết, không cần quan tâm đến thời vụ, ông dùng kỹ thuật chăm sóc ép cam ra quả lúc nào cũng được, nhưng mỗi năm chỉ nên cho cây ra quả 2 lần để còn dưỡng sức. Trong vườn cam bạt ngàn của mình, ông Khanh chia ra nhiều lô, phân kỳ dùng kỹ thuật chăm sóc ép cho cây nở hoa để cho thu hoạch thành nhiều đợt liên tiếp gối đầu nhau trong năm. “Làm như thế để nếu lứa này chính vụ giá thấp thì có lứa sau trái vụ sẽ bán được giá cao”-ông Khanh nói.
Vườn cam hơn 3 năm của ông Khanh đang bắt đầu bước vào chu kỳ kinh doanh. Mới đây, mấy luống cam của ông cho thu hoạch 1 lứa được hơn 6 tấn quả, bán được gần 200 triệu đồng. Từ hơn 1 năm nay, cam của ông Khanh đã được chở đi bán khắp các tỉnh Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền Trung. 
Triển vọng vùng cây ăn quả
Với địa hình đồi dốc, không bị úng nước và chất đất phù hợp nên gần đây, vùng đất dưới chân đèo Tô Na xuất hiện thêm nhiều rẫy trồng cây ăn quả. Học theo kinh nghiệm của ông Khanh, ông Nguyễn Anh Chính-nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Rtô-cũng trồng một vườn cam hơn 2 ha đang trong thời kỳ kiến thiết. Ông Chính cho hay, lâu nay, người dân địa phương trồng điều trên vùng đất đồi nhưng hiệu quả không cao. Gần đây, nhiều hộ chuyển dần sang trồng cây ăn quả. Ở vùng đèo Tô Na có đến vài chục vườn cam quy mô dăm sào đổ lại, vườn nào cũng phát triển tốt.
Ông Phan Tấn Sỹ-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rtô-cho biết: Xã đang định hình phát triển vùng cây ăn quả dưới chân đèo Tô Na. Bên cạnh cây cam còn có mô hình trồng na dai rộng 2 ha khá thành công của anh Lê Viết Kỳ ở thôn Đức Lập, mỗi năm thu nhập gần 1 tỷ đồng. Chính quyền thị xã đã vào cuộc đầu tư hệ thống béc tưới cho mô hình trồng na dai của anh Kỳ để làm điểm cho người dân học tập, nhân rộng ra nhiều phường, xã trên địa bàn.
Chính quyền thị xã Ayun Pa cũng đang khuyến khích người dân phát triển vườn cây ăn quả. Riêng xã Ia Rtô hiện đã có hơn 24 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 15 ha cam. “Trong tương lai gần, các vườn cam, na, xoài, chuối… sẽ giúp đời sống của nhiều hộ dân ở vùng đèo Tô Na quanh năm khô cằn sỏi đá này khởi sắc”-Phó chủ tịch UBND xã Ia Rtô tự tin nói.
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.