Con trâu mở đầu cơ nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được chính quyền địa phương hỗ trợ, nhiều hộ dân ở xã Tơ Tung (huyện Kbang, Gia Lai) đã duy trì và phát triển đàn trâu theo hướng thương phẩm. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhá nhem tối, bà Lý Thị Bình (làng Cao Lạng) và con dâu mới đi thả trâu về. Cởi bỏ chiếc nón và khăn đội đầu, bà Bình kể: Năm 1989, một mình bà dắt 2 con thơ từ tỉnh Lạng Sơn vào Tơ Tung lập nghiệp. Không nghề nghiệp, không đất sản xuất, để mưu sinh, bà phải đi làm thuê đủ thứ việc. Vậy nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng gia đình bà. Năm 1996, được nhà nước hỗ trợ 1,2 triệu đồng, bà cố gắng vay mượn thêm để mua 1 con trâu cái. Hơn 1 năm sau, trâu mẹ đẻ được một con nghé. Dù khó khăn nhưng bà Bình không bán con nghé này mà giữ lại nuôi để gầy đàn.
 Bà Lưyêng chăm sóc đàn trâu.   Ảnh: N.M
Bà Lưyêng chăm sóc đàn trâu. Ảnh: N.M
Nhờ chịu khó chăm sóc, đến năm 2002, đàn trâu của bà Bình đã có 5 con. Bà bán bớt trâu lấy tiền mua 2 ha rẫy. Những năm tiếp theo, từ tiền bán trâu, bà mua đất, cất nhà, tậu xe công nông. Bà Bình cho hay: 5 năm trước, trâu rất có giá, một con đực có khi bán được 30-40 triệu đồng, con cái gần 30 triệu đồng. Nhưng hiện nay, giá trâu giảm xuống còn 17-26 triệu đồng/con. “Tuy vậy, so với các vật nuôi khác, trâu vẫn dễ nuôi, mang lại thu nhập cao hơn. Do đó, nhiều năm nay, gia đình tôi luôn duy trì 5 con trâu mẹ. Mỗi năm, tiền bán trâu cũng được 50 triệu đồng”-bà Bình nói.
Tương tự, gia đình bà Đinh Thị Lưyêng (làng Đê Bar) cũng thoát nghèo nhờ nuôi trâu. Vừa tranh thủ cho trâu ăn, bà Lưyêng tâm sự: “Năm 2000, vợ chồng tôi ra ở riêng. Do thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất, dù có hơn 4 sào đất, lại chịu khó làm lụng nhưng gia đình tôi vẫn đói nghèo. Đến năm 2004, chị gái tôi cho nuôi rẽ một con trâu. Sau khi trâu mẹ đẻ, tôi được giữ lại con nghé”.
Theo nhẩm tính của bà Lưyêng, trong hơn 10 năm nuôi trâu, gia đình bà đã xuất bán được 5 con, lấy tiền làm nhà, mua máy cày, xe máy, mua rẫy, bò và nuôi con ăn học. Cách đây không lâu, vợ chồng bà cho người con trai mới lấy vợ 1 con trâu làm vốn. Hiện gia đình bà còn 4 con trâu và 2 con bò. Bà Lưyêng chia sẻ: Không chỉ gia đình tôi lấy “con trâu làm đầu cơ nghiệp” mà nhiều hộ trong xã cũng giàu lên nhờ nuôi trâu. Nuôi trâu không đòi hỏi kỹ thuật, lại không tốn kém, thức ăn của chúng chỉ là rơm, cỏ, lá cây, phế phẩm nông nghiệp. Hàng ngày lùa trâu lên nương, rẫy thả, nếu chăn gần nhà thì cắt cỏ cho ăn, thêm cám gạo, bột bắp. Chăm sóc trâu cũng không tốn nhiều công sức, chủ yếu là khâu phòng bệnh và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Nói về việc người dân nuôi trâu để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ông Trần Xuân Nam-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung-cho biết: Hiện nay, toàn xã có 518 hộ nuôi trâu với tổng cộng 1.802 con. Trâu chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng đàn gia súc trên địa bàn xã, mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao hơn so với các vật nuôi khác. Dù thiếu nơi chăn thả nhưng nhiều hộ vẫn cố gắng duy trì, phát triển đàn, nhờ đó tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là 18%, bình quân mỗi năm giảm 5-6%.
“Thời gian tới, xã sẽ tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc; mở rộng diện tích trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn; tiếp tục vận động nhân dân duy trì và phát triển đàn trâu, đặc biệt là nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, đàn trâu của xã bắt đầu thoái hóa do cận huyết. Vì vậy, để duy trì, nâng cao chất lượng đàn trâu, rất mong các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng quan tâm, có những chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân cải tạo giống”-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung cho biết thêm.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.