Người trồng cà phê ở Gia Lai "khóc ròng" vì mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời tiết mưa kéo dài khiến cây cà phê ở Tây Nguyên bị nhiều loại bệnh hại, trong khi giá hạt cà phê lại đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Hơn 20 năm trồng cà phê và cũng cả đời sống ở thành phố Pleiku nhưng ông Lê Phước Hương chưa bao giờ chứng kiến đợt mưa nào lại kéo dài như năm nay. Ông Hương nhẩm tính, đợt mưa vừa qua kéo dài liên tục đến hơn 90 ngày. Hậu quả của đợt mưa bất thường này là khu vực thôn 9, xã Tân Sơn, thành phố Pleiku mà ông Hương sinh sống bị ngập sâu trong nước.
Vườn cà phê của ông Hương thời điểm này, nước vẫn ngập cao hơn 20cm. Một số cây đã chết, rụng gần hết quả, số còn lại, theo ông Hương, cũng sẽ chết ngay khi nước rút đi, bởi hiện nay những cây còn sống chỉ như cành cây được cắm trong bình nước, tháo nước ra sẽ chết.
Thời tiết mưa kéo dài khiến cây cà phê ở Tây Nguyên bị nhiều loại bệnh hại
Thời tiết mưa kéo dài khiến cây cà phê ở Tây Nguyên bị nhiều loại bệnh hại
“Mỗi năm đầu tư 60-70 triệu đồng. Bây giờ thiệt hại là mất hoàn toàn. Nước rút đi là chết hết. Hiện giờ, trái vẫn còn nhưng chỉ cần nước rút là cũng rụng hết, không có thu nhập gì được. Cà phê như thế này thì không có nhân để mà thu nhập”, ông Hương cho biết.
Cũng có vườn cà phê 1ha đang ngập sâu trong nước, ông Lê Phước Ngà, thôn 9, xã Tân Sơn cho rằng, vụ năm nay nông dân trồng cà phê sẽ bị lỗ nặng. Trong khi các chi phí đầu tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công làm cỏ, dọn vườn đều tăng cao, giá cà phê lại xuống thấp và giờ thì mưa kéo dài, cây chết dần chết mòn khiến người nông dân chỉ biết khóc ròng.
“Giá cả như hiện nay thì người dân thiệt hại nhiều lắm. Phân bón, vật tư cao, nhân công cũng cao, chi phí gì cũng cao nhưng giá cà phê lại giảm. Bây giờ ngập lụt kiểu này thì người dân trắng tay luôn”, ông Lê Phước Ngà nói.
Cùng chung nỗi lo, anh Ksor Djuch, Làng Klah 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, mưa kéo dài suốt 3 tháng qua đã khiến diện tích cà phê của gia đình anh bị rụng trái hàng loạt. Trong khi vụ cà phê năm nay, chi phí đầu vào tăng gần gấp đôi so với vụ trước. Nỗi lo với anh Ksor Djuch còn cao hơn khi tất cả chi phí đó đều là tiền đi vay nợ của tư thương với lãi suất 5%/tháng.
Nhiều diện tích cà phê ngập trong nước do mưa kéo dài
Nhiều diện tích cà phê ngập trong nước do mưa kéo dài
Với tình hình cà phê rụng trái như năm nay, cùng với giá hạt cà phê xuống thấp, khoản nợ tư thương của gia đình anh Djuch khó có thể trả: “Năm ngoái một năm chi phí phân chỉ có mười mấy triệu, còn năm nay đã hơn hai mươi mấy triệu do mưa nhiều. Em vay nợ của đại lý trong làng mua cà phê của mình. Năm nay giá không bằng năm ngoái chắc chắn mình sẽ lỗ”, anh Djuch cho biết.
Giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên đang dao động ở mức 32.000 – 33.000 đồng/kg, đây là mức thấp nhất trong 7 năm qua. Điều này đi ngược lại quy luật nhiều năm là tăng dần khi gần vào vụ mới.
Bà Nguyễn Thị Huyền, làng Klah 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho rằng, sự biến động về giá trên thị trường cà phê, cộng với sản lượng cà phê niên vụ này giảm từ 30 đến 40%, khiến cho người trồng cà phê sẽ thua lỗ: “Cho dù năm ngoái vẫn mất mùa nhưng giá cao nên có lợi. Còn giờ vừa mất mùa, vừa mất giá. Phân bón tăng cao, công lao động cũng cao, nông dân lỗ”.
Theo nhận định từ các nhà kinh tế, mức giá cà phê sắp tới sẽ chưa thể tốt hơn, bởi dự báo sản lượng cà phê của Brazil, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, sẽ đạt mức kỷ lục trong năm nay. Ông Nguyễn Minh Đường, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên, cho rằng, đây sẽ là sức ép không nhỏ, ảnh hưởng đến cả nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước, nhất là tại vùng Tây Nguyên, địa bàn trọng điểm cà phê của cả nước.
“Giai đoạn này cà phê xuất khẩu bán đi không có lãi nên nông dân hạn chế bán và diện tích của cà phê trong thời gian tới không có lãi nên sẽ thu hẹp chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên tôi tin thời gian không xa nữa nông dân chuyển qua ngành hàng cây khác. Bước sang giai đoạn chuyển đổi cây trồng, ngành cà phê sẽ gặp khó khăn cung ứng sản lượng cho thị trường”, ông Nguyễn Minh Đường nhận định.
Trong khi thời tiết không ủng hộ, người trồng cà phê tại Gia Lai còn phải đối diện với việc giá hạt cà phê giảm sâu và chưa có dấu hiệu phục hồi. Với thiệt hại kép này, người trồng cà phê trên địa bàn đang rất lo lắng.
Công Bắc (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.