Đak Song tích cực phủ xanh đất trống, đồi trọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 1 năm tích cực thực hiện kế hoạch trồng rừng, đến nay, xã Đak Song (huyện Kông Chro, Gia Lai) đã trồng được trên 300 ha rừng, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo việc làm cho người dân và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Xã Đak Song có hơn 7.786 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng sản xuất trên 7.141 ha, đất rừng phòng hộ trên 644 ha. Năm 2018, xã được huyện giao kế hoạch trồng 205 ha rừng. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch này, xã đã giao các bộ phận chuyên môn rà soát, thống kê diện tích người dân đăng ký; xây dựng phương án trồng rừng; lập danh sách trình UBND huyện nhằm hỗ trợ người dân trồng rừng theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Người dân dọn thực bì, chăm sóc diện tích rừng trồng năm 2017.      Ảnh: N.M
Người dân dọn thực bì, chăm sóc diện tích rừng trồng năm 2017. Ảnh: N.M

Gia đình anh Đinh Krach (làng Blà) là một trong những hộ đăng ký trồng rừng năm nay. Anh Krach cho hay: “Năm ngoái, khi cán bộ xuống tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng trên diện tích đất nằm trong quy hoạch trồng cây lâm nghiệp của huyện, mình mạnh dạn chuyển hơn 2 ha lúa, bắp sang trồng keo. Mới được 1 năm mà cây đã cao trên 2 m, phát triển xanh tốt. Vì vậy, năm nay, mình tiếp tục đăng ký trồng 1 ha keo. Mình đã dọn thực bì, chuẩn bị đào hố, đợi Nhà nước cấp giống là tiến hành trồng”.

Năm nay, hộ ông Đinh Văn Bop (làng Blà) cũng đăng ký trồng thêm 2 ha rừng. Ông Bop chia sẻ: “Năm ngoái, gia đình tôi đã trồng 5 ha keo, được Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng/ha (2 triệu đồng tiền giống và 5 triệu đồng tiền công chăm sóc). Năm nay, gia đình tôi tiếp tục chuyển 2 ha đất trồng mì đã bạc màu sang trồng rừng”.

Năm 2017, xã Đak Song được huyện giao trồng 150 ha rừng nhưng đã thực hiện được trên 324 ha. Năm 2018, huyện giao cho xã trồng 205 ha rừng. Đến nay, toàn xã có 105 hộ đăng ký trồng rừng với tổng diện tích 301 ha. Điều này cho thấy, nhận thức của người dân trong việc trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc đã có nhiều chuyển biến tích cực, công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm đạt kế hoạch đề ra.

Ông Tạ Văn Chinh-Chủ tịch UBND xã Đak Song, cho biết: Thời gian qua, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn xã tham gia trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nhận thức của người dân đã chuyển biến tích cực. Đặc biệt, đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số đã đăng ký tham gia trồng rừng. Nhờ đó, diện tích rừng trồng của xã tăng cao, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đề cập công tác trồng rừng của xã Đak Song, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, nhận xét: Năm 2017, toàn huyện (trừ các công ty lâm nghiệp) trồng được trên 605 ha rừng. Trong 581 ha rừng do người dân tự trồng, riêng xã Đak Song có trên 324 ha. Năm nay, diện tích người dân xã Đak Song đăng ký trồng rừng cũng vượt rất cao so với kế hoạch huyện giao. Đây là xã đi đầu trong công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc của huyện.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.