Nhiều mô hình khuyến nông đạt hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê đã tích cực triển khai nhiều mô hình khuyến nông mới. Thành công của các mô hình này đã mở ra triển vọng trong phát triển nông nghiệp, từng bước giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhờ đổi mới từ khâu chọn hộ gia đình, địa điểm để thực hiện đến lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường… nên nhiều mô hình khuyến nông ở huyện Chư Sê đã thu được kết quả và được nhân rộng. Tiêu biểu như mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây trồng; cánh đồng lúa liên kết; phòng trừ bệnh trên cây hồ tiêu; vườn cây ăn quả an toàn; trồng bắp lai DTC 6869…

Mô hình cánh đồng lúa liên kết giảm được chi phí đầu tư đồng thời tăng năng suất. Ảnh: Trần Dung
Mô hình cánh đồng lúa liên kết giảm được chi phí đầu tư đồng thời tăng năng suất. Ảnh: Trần Dung

“Cùng với sự hỗ trợ về mặt kinh tế của Nhà nước, các cán bộ khuyến nông đã tích cực bám sát địa bàn, theo dõi và hướng dẫn cụ thể cho hộ nông dân thực hiện các mô hình thí điểm. Đồng thời, Trạm Khuyến nông huyện còn tổ chức các buổi tham quan, hội thảo đầu bờ để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho người dân ở các địa phương. Song song với đó, để các mô hình khuyến nông thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, cán bộ khuyến nông của huyện cùng với chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể và người dân đã có sự phối hợp đồng bộ trong suốt quá trình thực hiện”-bà Nguyễn Thị Uyên Ny-Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê, cho biết.

Vừa qua, mô hình “Chuyển đổi ruộng Đông Xuân thiếu nước sang trồng bắp lai” được Trạm Khuyến nông huyện chọn triển khai trên diện tích 1 ha tại cánh đồng làng Klă Nhân (xã Al Bá) với nguồn kinh phí trên 14 triệu đồng. Mô hình này nhằm góp phần ứng phó với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Giống bắp lai DTC 6869 được sử dụng có thời gian sinh trưởng 100-110 ngày, khả năng chịu hạn cao, kháng bệnh tốt và cho năng suất cao. Sau hơn 3 tháng trồng, bắp lai đã cho thu hoạch, năng suất đạt hơn 10 tấn/ha. Với giá bán hiện nay trên thị trường là 5.000 đồng/kg bắp, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi hơn 23 triệu đồng/ha. Mô hình chuyển đổi ruộng Đông Xuân thiếu nước sang trồng bắp lai được thực hiện thành công đã từng bước làm thay đổi thói quen của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, giúp họ mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ứng phó với tình hình khô hạn như hiện nay. Từ đó hạn chế đất ruộng bỏ hoang do không canh tác được cây lúa nước, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Anh Byang (làng Klah Bui, xã Al Bá) cho biết: Trước đây, không riêng gì gia đình anh mà hầu như hộ nào trong làng Klah Bui cũng bỏ hoang những diện tích ruộng Đông Xuân thiếu nước vào cuối vụ. “Sau khi nghe tin Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình “Chuyển đổi ruộng Đông Xuân thiếu nước sang trồng bắp lai”, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia với diện tích 0,5 sào. Khi tham gia mô hình, tôi được Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc bắp lai, được hỗ trợ chi phí đầu vào như: giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ruộng bắp nhà tôi phát triển rất tốt và cho năng suất cao. Tôi mong có nhiều dự án, mô hình mới để bà con áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế”-anh Byang chia sẻ.

Trạm tổ chức cho các hộ tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm tham quan học tập thực tế tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Uyên Ny
Trạm tổ chức cho các hộ tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm tham quan học tập thực tế tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Uyên Ny

Trong vụ Đông Xuân 2017-2018, Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê đã xây dựng 2 mô hình chuyển đổi diện tích ruộng thiếu nước vào cuối vụ sang trồng bắp nếp, bắp lai với quy mô 1,5 ha tại xã Al Bá và Ia Pal. Đến nay, diện tích bắp này đã cho thu hoạch với năng suất cao. Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục xây dựng các mô hình chuyển đổi trên chân ruộng này, sử dụng các giống cây trồng khác như đậu đen để đánh giá mức độ thích nghi cũng như hiệu quả kinh tế của từng loại cây trồng. “Cũng trong tháng 5 này, Trạm sẽ triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm. Để mô hình thành công, Trạm đã tổ chức cho các hộ tham quan thực tế tại tỉnh Lâm Đồng, giúp các hộ có cơ hội nắm bắt toàn bộ quy trình trồng dâu nuôi tằm, học hỏi kinh nghiệm”-bà Nguyễn Thị Uyên Ny cho biết thêm.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.