Gia Lai: Quy hoạch vùng chuyên canh điều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là tỉnh có diện tích cây điều đứng thứ 5 cả nước, sản lượng hàng năm đạt khoảng 13.562 tấn. Những năm gần đây, giá hạt điều trên thị trường ổn định đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, để cây điều phát triển theo hướng bền vững, các địa phương cần có những chính sách giúp người dân nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây, đồng thời tìm đầu ra cho hạt điều.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, tổng diện tích điều trên địa bàn tỉnh khoảng 17.854 ha. Trong số này, diện tích điều đang kiến thiết cơ bản khoảng 1.374 ha, còn lại đã bước vào giai đoạn kinh doanh. Điều được coi là cây xóa đói giảm nghèo bởi ít kén chọn đất, chịu hạn tốt, chi phí đầu tư chăm sóc không lớn và phù hợp với lối canh tác đơn giản.

 

Một vườn điều tại xã Ia Nan (huyện Đức Cơ). Ảnh: N.D
Một vườn điều tại xã Ia Nan (huyện Đức Cơ). Ảnh: N.D

Khoảng 2 năm trở lại đây, giá hạt điều trên thị trường dao động ở mức 40.000 đồng/kg là tín hiệu vui cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, do phần lớn hộ trồng điều không chăm sóc tốt nên điều thường bị mất mùa, năng suất giảm. Hơn nữa, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hầu hết diện tích điều trong tỉnh được trồng từ năm 2005 trở về trước và chủ yếu bằng cây giống thực sinh, chất lượng không đảm bảo, mật độ không hợp lý, đặc biệt là ít được đầu tư chăm sóc đã làm vườn cây suy kiệt, già cỗi, nhiều sâu bệnh, năng suất thấp, chất lượng hạt thu hoạch kém. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán, mưa trái mùa vào thời điểm cây trổ hoa cũng làm giảm năng suất cây điều.

Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, cho hay: “Toàn huyện hiện có khoảng 1.700 ha điều trồng tại các xã  Ia Mơr, Ia Púch, Ia Lâu, Ia Piơr… Cây điều phù hợp với đất pha cát, chống chịu hạn tốt, năng suất trung bình đạt khoảng 1,3 tấn/ha. Với giá ổn định như hiện nay, mỗi héc-ta điều cho lợi nhuận trên 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư và công thu hoạch. Trong thời gian tới, huyện sẽ định hướng cụ thể cho người dân ở các xã có diện tích điều tập trung đầu tư phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất bằng những giống mới nhằm  nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích”.

Trao đổi với P.V, ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh về thúc đẩy thâm canh, phát triển cây điều theo chuỗi giá trị gia tăng bền vững, thời gian tới, Chi cục sẽ rà soát và đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu điều theo hướng tập trung, hình thành vùng trồng điều trọng điểm áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất. Chi cục cũng sẽ vận động người dân trồng thay thế hoặc ghép cải tạo bằng những giống điều ghép mới có năng suất cao, kháng sâu bệnh và thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng. Đặc biệt, những vườn điều già cỗi, nhiều sâu bệnh, giống không đạt chất lượng thì Chi cục sẽ khuyến cáo người dân trồng tái canh. Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng mô hình liên kết giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu điều phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.