Vụ dưa hấu ngọt ngào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nay, những nông dân “du mục” đến các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh thuê đất trồng dưa hấu đều rất phấn khởi vì được mùa, được giá.

Bỏ vốn “khủng” thuê đất trồng dưa

Cách đây 3 tháng, anh Võ Văn Dũng (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) cùng 9 người thân lên xã Ia Tul (huyện Ia Pa) thuê đất trồng dưa hấu. Sau khi khảo sát các cánh đồng, họ chọn thuê dải đất phù sa dọc theo sông Tul rộng gần 30 ha của người Jrai ở buôn Tơ Khế để trồng dưa. “Chúng tôi bỏ ra 600 triệu đồng thuê lại gần 30 ha đất bà con vừa thu hoạch mì để trồng dưa hấu. Nhiều người dân địa phương rất ngỡ ngàng nhưng chúng tôi biết chất đất phù sa và thời tiết nắng nóng ở vùng Đông Nam Gia Lai rất hợp với cây dưa hấu như lời ông bà ta dạy: Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa!”-anh Dũng cho hay.

 

Hơn 1.000 ha dưa hấu ở Đông Nam Gia Lai đang được thương lái thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc với giá cao.                                                  Ảnh: Đ.P
Hơn 1.000 ha dưa hấu ở Đông Nam Gia Lai đang được thương lái thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc với giá cao. Ảnh: Đ.P

Để có dưa hấu cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2018, những nông dân “du mục” từ Bình Định, Phú Yên đã đến các huyện Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa thuê hơn 1.000 ha đất trồng dưa. Họ dựng lều bạt ở ngay tại ruộng dưa để tiện chăm sóc. “Ngày Tết cũng không được về nhà mà phải ăn ngủ tại ruộng để canh sâu, tưới nước cho dưa”-anh Dũng nói.

Theo anh Dũng, trồng dưa hấu rất công phu, từ khâu làm đất phải sàng bằng tay cho thật kỹ, tơi xốp. Rồi khi lên luống phủ bạt ni lông phải đặt thước chạy cân bằng để khi tưới, nước phân bố đều, không gây ngập úng. Quan trọng nhất là khi dưa vươn dây bò ra đất thì phải bẻ hết mầm, chỉ để lại một gốc 3 dây, mỗi dây 2 trái. Mỗi ngày phải bơm nước tưới 1 lần, phân bón phải hòa vào nước theo tỷ lệ nhất định chứ không bón trực tiếp xuống đất. Mỗi đám ruộng chỉ trồng được 1 vụ dưa sau đó phải đi tìm vùng đất mới. Nếu tiếp tục trồng dưa trên đất cũ thì dễ bị sâu bệnh, năng suất thấp. “Nói chung trồng dưa hấu rất vất vả, công phu và đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật cao. Công lao động cũng phải thuê ở dưới quê lên”-anh Dũng cho biết.

Nhờ cho thuê đất trồng dưa mà nhiều hộ người Jrai ở các huyện Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa kiếm được khoản tiền kha khá. “Năm nay là lần đầu tiên xã Ia Tul xuất hiện cây dưa hấu với diện tích 100 ha, hầu hết là đất người dân vừa thu hoạch mì xong và cho người ở Bình Định lên thuê để trồng. Họ thuê đất với giá 24 triệu đồng/ha. Sau 3 tháng, họ trả lại đất để người dân trồng mì. Nói chung là hai bên cùng có lợi”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul Nguyễn Phi Loan cho hay.

Dưa được mùa, được giá

Thời điểm này năm ngoái, dưa hấu rớt giá thê thảm (chưa đến 2.000 đồng/kg) khiến nông dân lỗ nặng. Nhiều nông dân “du mục” gạt nước mắt cuốn hành lý ra về bỏ lại ruộng dưa thối không thèm thu hoạch. Còn năm nay, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá dưa trung bình đạt 6.000 đồng/kg. Điều này khiến người trồng dưa rất phấn khởi.

Đang lội kiểm tra ruộng dưa sắp đến ngày thu hoạch ở cánh đồng buôn Tơ Khế (xã Ia Tul), anh Nguyễn Hùng Dương (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) phấn khởi cho hay: “Tôi thuê 1,5 ha đất của người Jrai ở buôn Tơ Khế trồng dưa hấu giống Trang Nông 386. Nếu tính cả nhóm 4 anh em trong nhà thì chúng tôi trồng được 4 ha dưa trên cánh đồng này. Năm nay nhờ đất mới, thời tiết nắng nóng thuận lợi nên cây dưa phát triển tốt, cho trái to, đều, năng suất đạt khoảng 53 tấn/ha. Hôm trước, thương lái vào ruộng xem dưa sau đó ký hợp đồng mua với giá 6.000 đồng/kg, còn 2 ngày nữa là họ vào thu hoạch. Trừ chi phí khoảng 150 triệu đồng/ha, chúng tôi lãi 150-180 triệu đồng/ha”-anh Dương vui vẻ cho biết.

Hiện đang là cao điểm mùa thu hoạch dưa hấu. Nhiều thương lái từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam đánh cả đoàn xe tải lên vùng Đông Nam Gia Lai để mua dưa hấu chở sang Trung Quốc bán. Anh Nguyễn Thanh Hải (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cùng với vợ ngồi dưới bóng cây ở cánh đồng buôn Ia Kdăm (xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa) để chờ chất dưa lên ô tô chở đi. “Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, tôi đưa lên Gia Lai 10 chiếc xe tải 4 chân để mua dưa xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm nay, thị trường này “ăn hàng” rất mạnh nên dưa được giá, tôi ký hợp đồng với chủ ruộng dưa, đặt cọc trước 30% số tiền. Giá dưa hấu từ 2,5 kg/quả trở lên là 6.000 đồng/kg. Dưa loại từ 2 kg đến 2,4 kg/quả mua với giá 3.000 đồng/kg chở đi bán ở Hải Dương, Hà Nội. Còn loại dưa nhỏ hơn nữa thì có các tiểu thương đem xe tải vào thu mua để tiêu thụ tại địa phương”-anh Hải nói.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.