Nông dân An Thành chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, nhiều hộ nông dân ở xã An Thành (huyện Đak Pơ) đã mạnh dạn đưa một số loại cây trồng, con giống mới vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Bước đầu, nhiều mô hình đã thành công, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân nơi đây.

Gia đình chị Nguyễn Thị Liễu (thôn 5) có 4 ha đất trồng mía. Cuối năm 2015, chị mạnh dạn phá bỏ 1,2 ha mía để trồng cây ăn quả. Trong đó, chị dành 7 sào trồng dừa xiêm lùn, 5 sào trồng nhãn. Lấy ngắn nuôi dài, chị trồng xen thêm chuối, ớt và cà pháo vào diện tích trên. Hiện nay, vườn dừa và nhãn của gia đình chị đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. “Cây dừa rất hợp với khí hậu ở đây nên phát triển rất nhanh, lại ít sâu bệnh. Mới trồng hơn 2 năm mà dừa đã cao gần 2 m và bắt đầu ra quả rồi”-chị Liễu cho biết.

 

Vườn nhãn của gia đình anh Trần Minh Đức đang trong thời kỳ ra hoa. Ảnh: N.H
Vườn nhãn của gia đình anh Trần Minh Đức đang trong thời kỳ ra hoa. Ảnh: N.H

Cũng tại thôn 5, trước đây, gia đình anh Trần Minh Đức dành toàn bộ đất để trồng mía với hy vọng có thu nhập cao và ổn định. Tuy nhiên, do gần đây giá mía bấp bênh, sau khi trừ chi phí, số lãi thu được khá thấp. Để tìm hướng đi mới, anh Đức quyết định phá bỏ diện tích mía chuyển sang trồng thử nghiệm 100 cây bơ booth. Sau đó, nhận thấy giống bơ này không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, anh quyết định trồng thử 200 cây mít Thái. Sau 2 năm, số mít Thái này đã cho thu hoạch. Trong 2 năm đầu thu hoạch, mỗi năm anh thu được khoảng 7 tấn mít. Với giá bán 15.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu được khoảng 110 triệu đồng từ 200 cây mít Thái.

Anh Đức chia sẻ: “Cây mít Thái rất dễ trồng, lại nhanh cho thu hoạch. Bên cạnh đó, trồng mít Thái cho thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, đầu ra sản phẩm cũng rất ổn định”.

Ngoài bơ và mít, anh Đức còn trồng thử nghiệm bưởi da xanh, mãng cầu ta, nhãn. Theo anh Đức, xã An Thành có điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt, lại không có hệ thống thủy lợi nên việc trồng trọt các loại hoa màu phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Do đó, cây ăn quả là lựa chọn phù hợp nhất và cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngay như nhãn lồng hay bưởi da xanh, dù mới trồng thử nhưng anh thấy rất hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Hiện chỉ riêng tại thôn 5 (xã An Thành) đã có hàng chục hộ trồng cây ăn quả.

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, một số hộ nông dân ở xã An Thành cũng đã thành công với việc nuôi các loại động vật hoang dã và bán hoang dã như: hươu sao, nai, heo rừng, nhím… Hiện các đàn vật nuôi đều sinh trưởng, phát triển rất tốt, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Điển hình như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở thôn 5. Ngoài trồng cây ăn quả và nuôi cá thương phẩm, gia đình ông Minh còn nuôi một đàn hươu sao 11 con, trong đó 5 con đang cho lấy nhung. Nuôi hươu sao có ưu điểm là nguồn thức ăn dễ kiếm hơn nuôi bò, heo. Ông Minh đang dự định nhân rộng đàn hươu sao để không chỉ lấy nhung mà còn lấy thịt cung cấp cho thị trường.

Nguyễn Hiền

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.