Mang Yang đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mang Yang là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, cao su, bời lời, chanh dây... Tuy nhiên, thời gian qua, giá cả các mặt hàng nông sản trên thị trường không ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân trên địa bàn huyện.

Để giúp người dân phát triển sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp. Theo đó, ngành chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên chuyển đổi những diện tích đất lúa bấp bênh, kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao hơn; xây dựng các mô hình điểm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

Nông dân huyện Mang Yang thu hoạch chanh dây. Ảnh: N.D
Nông dân huyện Mang Yang thu hoạch chanh dây. Ảnh: N.D

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang, vụ Đông Xuân 2016-2017, toàn huyện đã chuyển đổi trên 66 ha lúa nước bấp bênh sang trồng mì, bắp và khoai lang. Vụ mùa 2017 đã chuyển đổi hàng trăm héc-ta đất trồng mì, cỏ chăn nuôi sang trồng bơ, sầu riêng, thanh long ruột đỏ, chuối Nam Mỹ. Còn trong vụ Đông Xuân 2017-2018, nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển đổi cây trồng phù hợp ở từng vùng, khu vực theo kế hoạch đề ra.

Ông Đinh Văn Trứ-Chủ tịch UBND xã Đak Jơ Ta, cho biết, công tác chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn xã đã được người dân hưởng ứng thực hiện. Những diện tích đất lúa khó khăn về nguồn nước tưới đã được chuyển sang trồng mì và các loại cây ngắn ngày như bắp, khoai lang, đậu đỗ. Một số hộ ở thôn 4 thì chuyển sang đầu tư trồng hồ tiêu với diện khoảng 5 ha. Ủy ban nhân dân xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa những giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất. Hiện tại, nhiều hộ đã đăng ký tham gia chuyển sang trồng dứa, chuối… đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao. Đây là tiền đề quan trọng để người dân tiếp tục chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang, cho biết: “Những năm gần đây, công tác chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến rõ rệt, phù hợp với điều kiện thực tiễn và giá cả thị trường. Đặc biệt, khi Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao khởi công Nhà máy chế biến rau quả thì bà con hưởng ứng rất tích cực. Đến nay, các xã đã đăng ký trồng khoảng 300 ha dứa và các loại cây trồng khác. Trong thời gian tới, việc chuyển đổi giống cây trồng sẽ gặp nhiều thuận lợi.

Để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ  người dân, Phòng đang xin chủ trương sửa chữa, xây dựng kênh mương thủy lợi, làm đường giao thông nội đồng; tập trung xây dựng cánh đồng lớn trên cây lúa tại xã Đak Trôi và liên kết với Nhà máy Tinh bột sắn xây dựng cánh đồng lớn trên cây mì tại xã Kon Chiêng. Những năm tới, khi đầu ra của các loại cây trồng ổn định, công tác chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn huyện chắc chắn sẽ mang lại nhiều thành công”.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.