Vác mai đi trồng… điều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” là một câu nói dân gian, ngầm khuyên nhủ những người thích làm việc theo “phong trào” cần thận trọng mỗi khi quyết định làm việc gì, nhất là việc mà nhiều người đang đua nhau làm vì thấy lợi.

Điều đang được giá (30-50 ngàn đồng/kg) nên bà con tại Gia Lai thời điểm này đua nhau trồng là chuyện hoàn toàn hiểu được. Đã có những thời kỳ điều mất giá nghiêm trọng, người dân trồng điều phải chặt bỏ cây điều để trồng mì, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Vì cây mì cũng bấp bênh không kém cây điều, đã thế, củ mì bán giá thấp và trồng mì rất hại đất. Nhưng khi không có chọn lựa nào tốt hơn thì bà con vẫn phải trồng mì. Bây giờ, điều đang được giá, nên chuyển về trồng điều là đúng. Chỉ có điều, cây điều giống mà bà con mình trồng không có nguồn gốc rõ ràng, chưa rõ chất lượng ra sao. Trồng điều thì phải 3-4 năm mới thu hoạch, nếu lúc đó điều không ra quả hoặc ra quả nhưng chất lượng quả thấp, dẫn tới chất lượng hạt điều thấp, không bán được, thì biết làm sao? 4 năm không phải là thời gian ngắn, nếu không biết trước kết quả như thế nào, thì thật phiêu lưu. Đây cũng là chuyện đã xảy ra với một số cây trồng khác như chanh leo, trồng mãi mà không thấy quả. Cơ sự cũng chỉ vì giống có nguồn gốc không rõ ràng.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong những việc như thế này, nếu để người dân “tự bơi” thì chuyện “trồng cây gì nuôi con gì” sẽ là chuyện may rủi. Không có bất cứ bảo đảm nào là kết quả sẽ tốt đẹp. Vậy thì Sở Nông nghiệp và PTNT ở đâu trong những trường hợp này? Dù Sở không đủ khả năng cung cấp giống tốt bảo đảm cho bà con, thì ít nhất cũng có thể tìm hiểu và thẩm định chất lượng giống giúp bà con, mới đúng chức năng của mình chứ? Đây cũng là chuyện phổ biến trong cả nước, chứ không riêng gì Gia Lai, và như thế, đây đã thành chuyện mà Bộ Nông nghiệp và PTNT phải có trách nhiệm. Nếu cứ để người dân tự phát trong việc mua giống trồng cây mà không có bất cứ sự kiểm định nào, thì khi hậu quả xấu xảy ra, người dân sẽ phải lãnh đủ. Bấy giờ, họ sẽ lại “tái nghèo” và những hoạt động “giải cứu” dù diễn ra rầm rộ… trên mạng xã hội hay trên truyền thông, thì cũng không thể cứu nổi những nông dân đã trắng tay vì cây không… đậu quả.

Sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện còn quá nhiều rủi ro và bất cập. Từ chuyện được mùa rớt giá tới chuyện giống cây không rõ nguồn gốc... đều khiến việc sản xuất nông nghiệp trở thành một trò chơi may rủi. Trong khi đó ngành chức năng có thể khắc phục được chuyện chọn giống tốt cho nông dân và hướng dẫn cặn kẽ cho nông dân khi trồng trọt và chăm sóc. Với cây điều, hoàn toàn có khả năng làm như vậy, chứ không phải để người dân tự mua giống tự trồng và phấp phỏng không biết kết quả sẽ thế nào.  

Dễ hiểu khi mới đây, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ayun Pa, ông Trịnh Văn Lương-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rtô, cũng đã bày tỏ băn khoăn: “Trồng cây điều phải mất 3-4 năm mới cho thu hoạch. Nhưng người dân đua nhau trồng điều, sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc, chất lượng ra sao, không được cơ quan nào kiểm tra, chứng nhận thì thật là bấp bênh”.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.