Phú Thiện: Triển vọng từ mô hình sản xuất lúa giống đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm tạo nguồn giống chất lượng, giá rẻ cung cấp cho người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, vụ mùa năm 2017, huyện Phú Thiện đã triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa giống thương phẩm đầu tiên trên địa bàn. Hiện người dân đã triển khai xuống giống xong và đang tiến hành chăm sóc, bón phân cho đồng ruộng.  
Xã Ia Ke là địa bàn được huyện lựa chọn để triển khai mô hình, quy mô hơn 35 ha với 149 hộ dân tham gia, trong đó, có 60 hộ người dân tộc thiểu số. Tham gia mô hình này, các hộ dân được hỗ trợ 100% tiền vật tư phân bón, 50% tiền lúa giống và được tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa bền vững, kỹ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại để giảm thiểu chi phí và những tác động tiêu cực của môi trường… Tổng kinh phí được huyện hỗ trợ trên 100 triệu đồng, trích từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện. 
Chủng giống lúa được lựa chọn là giống lúa thuần chủng TBR225 đã được đưa vào sản xuất thí điểm trên địa bàn vụ trước và đem lại nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, giống lúa TBR225 khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, quần thể lúa đẹp, dễ chăm sóc, lúa trổ đều, chắc hạt, chống chịu tốt với sâu bệnh, cứng cây, ít bị ngã… Năng suất trung bình đạt cao so với các giống lúa đang sản xuất trên địa bàn, đạt từ 7,5 đến 8 tấn/ha, cao hơn gần 1 tấn/ha so với các giống lúa khác mà người dân đang sử dụng.
Giống lúa TBR225 là giống lúa chất lượng đã được trồng thí điểm trên địa bàn cho năng suất cao. Ảnh: Q.T
Giống lúa TBR225 là giống lúa chất lượng đã được trồng thí điểm trên địa bàn cho năng suất cao. Ảnh: Q.T
Dù mô hình sản xuất lúa giống còn khá xa lạ với gia đình bà Trương Thị Hai (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake), vì trước giờ gia đình bà chỉ trồng lúa thương phẩm nhưng khi nghe chính quyền thông báo về chủ trương triển khai mô hình sản xuất lúa giống, bà đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Bà Hai cho biết: “Dù mô hình sản xuất lúa giống còn khá xa lạ với gia đình tôi nhưng sau khi được ngành chuyên môn đánh giá triển vọng của mô hình thì tôi rất hào hứng tham gia. Hiện gia đình đã tiếp nhận giống, phân bón và đã tiến hành gieo sạ xong”.
Cầm trên tay những bao lúa giống thuần chủng TBR225 và các loại vật tư nông nghiệp được huyện hỗ trợ, ông Ksor Won (thôn Glung A, xã Ia Ake) không giấu được niềm vui.
“Tham gia mô hình, mình và bà con được cán bộ hướng dẫn những kỹ thuật để canh tác cây lúa bền vững như hướng dẫn về cách thức gieo sạ tiết kiệm giống, sử dụng các chủng phân bón hiệu quả, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh tổng hợp… Mình và bà con tham gia mô hình phấn khởi lắm, tin rằng mô hình sản xuất lúa giống đầu tiên của huyện Phú Thiện sẽ thành công, giúp gia đình tăng thêm thu nhập”-ông Won phấn khởi.
Hiện bà con tham gia mô hình đã hoàn thành việc gieo sạ và đang tập trung chăm sóc. Ảnh: Q.T
Hiện bà con tham gia mô hình đã hoàn thành việc gieo sạ và đang tập trung chăm sóc. Ảnh: Q.T
Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho biết: “Huyện có diện tích sản xuất lúa nước khá lớn nên nhu cầu hàng năm về lúa giống phục vụ cho sản xuất của người dân là rất lớn, đặc biệt là những giống lúa chất lượng. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm lúa giống khi đến mùa vụ thường xuyên xảy ra, dẫn đến giá thành cũng tăng nên chi phí sản xuất cũng tăng. Do đó, mục đích huyện triển khai mô hình sản xuất lúa giống là nhằm giúp cho hợp tác xã, nông dân làm quen với sản xuất giống lúa, hướng tới hình thành một vùng chuyên canh sản xuất lúa giống giá rẻ, chất lượng và ổn định phục vụ cho người dân trên địa bàn, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân”. 
Mô hình sản xuất lúa giống thương phẩm là hướng đi tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương cũng như từng bước xây dựng, hình thành nên thương hiệu “Gạo Phú Thiện” trên thị trường. 
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.