Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hình thái thời tiết hiện nay rất dễ xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại cây trồng. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cùng nông dân trong tỉnh chủ động triển khai các giải pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại.

  Cánh đồng làng Bung, xã Trang xuất hiện ốc bươu vàng hại lúa. Ảnh: N.D
Cánh đồng làng Bung, xã Trang xuất hiện ốc bươu vàng hại lúa. Ảnh: N.D

Thời gian gần đây, tại cánh đồng lúa nước của 2  làng Đak Kol, Blung (xã Trang) và cánh đồng làng Kto (xã Glar, huyện Đak Đoa) xuất hiện ốc bươu vàng với diện tích khoảng 2 ha, mật độ 10-15 con/m2. Bà Lê Thị Kim Tuyền-cán bộ địa chính-nông nghiệp xã Trang, cho biết: Ngay khi bà con phản ánh có hiện tượng ốc bươu vàng trên một số diện tích lúa nước vụ mùa, chúng tôi đã xuống tận cánh đồng hướng dẫn cách phòng trừ, đồng thời báo về Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện để có biện pháp xử lý phù hợp.

Ông Trần Văn Nghĩa-Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Đak Đoa, cho biết: Sau khi nhận được tin có ốc bươu vàng tại một số cánh đồng ở xã Trang và Glar, Trạm đã cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra và hướng dẫn nông dân thực hiện một số biện pháp phòng trừ như: ngắt ổ trứng đem tiêu hủy, bắt ốc vào sáng sớm, dùng lưới chắn ngang ở đầu nguồn nước không cho ốc di chuyển… Sở dĩ ốc bươu vàng xuất hiện ở những cánh đồng này là do bà con gieo sạ muộn. Bên cạnh đó, bà con xử lý không đồng bộ nên hiệu quả phòng trừ không cao. Để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, Trạm đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và cán bộ địa chính-nông nghiệp các xã tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân các giải pháp phòng trừ. Trong thời gian tới, Trạm sẽ tiếp tục theo dõi và giúp bà con nông dân phát hiện, xử lý có hiệu quả các loại sâu bệnh gây hại cây trồng.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, cây trồng vụ mùa đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Lúa trà sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh, cây cà phê đang ra quả non… Tuy nhiên, hiện tượng mưa nắng xen kẽ là điều kiện để các loại sâu bệnh gây hại xuất hiện. Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, cho hay: Để chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng trong vụ mùa 2017, Chi cục đã triển khai mô hình IPM, ICM trên cây lúa từ đầu vụ, hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện đối tượng sâu bệnh gây hại và kịp thời xử lý. Cây cà phê hiện đang trong giai đoạn nuôi quả non nên cần bổ sung dinh dưỡng, kiểm tra các loại rệp… Đối với diện tích hồ tiêu kinh doanh cần bón phân cân đối, kịp thời. Bên cạnh đó, củng cố hệ thống thoát nước không để bồn sâu gây úng nhiều giờ ảnh hưởng tới bộ rễ… Các địa phương có diện tích đậu xanh cần có biện pháp khoanh vùng phòng trừ bệnh khảm vàng lá vi rút không để lây lan trên diện rộng.

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.