Trồng quýt đường - Hướng thoát nghèo cho nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vài năm trở lại đây, nông dân các địa phương khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu. Trong đó, quýt đường-loại cây ăn quả được nhiều người lựa chọn thử nghiệm-đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp họ từng bước thoát nghèo.

Năm 2010, gia đình anh Nguyễn Trung Thành (thôn An Điền Nam 2, xã Cửu An, thị xã An Khê) bắt đầu đưa cây quýt đường từ miền Tây về trồng trên diện tích 1 ha đất của mình. Vừa học hỏi kinh nghiệm trực tiếp từ các nhà vườn trồng quýt, vừa tự tìm tòi, nghiên cứu thêm trên internet, anh Thành đã khắc phục khó khăn ban đầu và dần dần “chinh phục” được loại cây ăn quả này.

Vườn quýt đường xanh ngát đã thay thế dần những rẫy lúa, đồi mì. Ảnh: Hồng Thi
Vườn quýt đường xanh ngát đã thay thế những rẫy lúa, đồi mì. Ảnh: Hồng Thi

“Để cây cho năng suất và chất lượng cao thì cần bón phân đầy đủ và hợp lý, nhất là thời kỳ ra đọt non, kết bông và đậu trái. Với mục tiêu mang đến thị trường những quả quýt sạch, thơm, ngon, gia đình tôi chỉ chủ yếu sử dụng các loại phân hữu cơ hay chế phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc và hạn chế đến mức thấp nhất phân bón hóa học. Như thế vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, vừa giảm sự độc hại cho môi trường”-anh Thành bày tỏ.

Sau 7 năm cắm rễ trên “đất lạ” Cửu An, vườn quýt đường của anh Thành vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Mỗi vụ, quýt cho sản lượng khoảng 50 tấn/ha. Với mức giá dao động từ 20.000 đồng đến 26.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh thu về 600-700 triệu đồng/năm. Nhờ cây quýt mà giờ đây anh đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang hơn để ở cũng như sắm sửa nhiều vật dụng tiện nghi trong gia đình. Anh Thành cho biết, hiện anh đang mở rộng thêm 3 ha quýt đường nữa, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình trong vài năm tiếp theo.

Bắt kịp xu hướng chung, gia đình bà Vũ Thị Đức (thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro) cũng đầu tư trồng 1 ha quýt đường từ năm 2015. Hơn 10 năm rời quê hương Thanh Hóa vào Kông Chro (Gia Lai) xây dựng cuộc sống mới, vợ chồng bà Đức chỉ lay hoay với mấy loại cây như: lúa, bắp, mì, đậu xanh…, thu nhập vô cùng bấp bênh. Cái nghèo, cái khổ, vì thế, vẫn cứ bám riết lấy gia đình. Mãi đến năm 2012, khi chuyển dần sang trồng mía rồi 3 năm sau đó là quýt đường, vợ chồng bà Đức mới bắt đầu trả được một ít nợ vay ngân hàng trước đây.

“Được người chú là chủ một vườn cây ăn quả lớn ở Bình Định giới thiệu và chỉ cách trồng quýt đường, vợ chồng tôi mạnh dạn vay thêm 80 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế của Hội phụ nữ và Hội nông dân xã để mua 800 cây quýt giống về trồng thử. Tính cả chi phí vận chuyển, giá khi đó tầm 35.000 đồng/cây. Mới đầu chúng tôi cũng lo không biết cây có hợp thời tiết, thổ nhưỡng ở đây không, nhưng giờ thì thở phào nhẹ nhõm rồi vì cây đã phát triển ổn định”-bà Đức vui vẻ nói.

Bà Đức vui mừng bên vườn quýt đường sai trĩu quả của mình. Ảnh: Hồng Thi
Bà Đức vui mừng bên vườn quýt đường sai trĩu quả của mình. Ảnh: Hồng Thi

Sau Tết Nguyên đán vừa qua, vườn quýt nhà bà đã cho thu quả bói khoảng 2 tấn; giá bán dao động từ 18.000 đồng đến 25.000 đồng/kg nếu thương lái vào tận nơi và 30.000 đồng/kg khi bán lẻ tại chợ. Với số tiền thu được, vợ chồng bà quyết định bỏ ra 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho quýt nhằm đỡ công chăm sóc và tiết kiệm nước hơn. Hiện quýt đang tiếp tục ra hoa và cho trái vụ 2, dự kiến sẽ kịp cung ứng cho thị trường Tết dịp cuối năm.

Theo chia sẻ của người dân, quýt đường là loại cây tương đối dễ trồng và chăm sóc. Chỉ cần làm cỏ, phun thuốc trừ sâu vẽ bùa hại lá, cứ 3 ngày tưới nước 1 lần nếu trời nắng và tạo rãnh thoát nước để cây không bị ngập úng vào mùa mưa thì quýt sẽ sinh trưởng, phát triển bình thường. Quýt đường trồng ở khu vực phía Đông tỉnh rất trĩu quả, ít rụng trái, vỏ xanh bóng, mọng nước và ngọt thơm, ăn trực tiếp hay ép lấy nước uống đều ngon.

Ông Nguyễn Công Thám-Chủ tịch Hội Nông dân xã Cửu An (thị xã An Khê) cho biết: Trước việc trồng quýt tự phát của một số hộ dân mang lại hiệu quả cao, Hội đang tập trung tuyên truyền để bà con trong xã triển khai thử nghiệm mô hình nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Hiện có vài hộ đã tiến hành trồng quýt đường và cam sành. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng loại cây này thì các ngành chức năng cũng cần tập huấn cũng như chuyển giao khoa học công nghệ thêm cho người dân”.

Trồng quýt đường đem lại hiệu quả kinh tế cao là thế, song để loại cây này phát triển bền vững, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có những khuyến cáo đến người dân nhằm tránh tình trạng phát triển ồ ạt, nhất là ở những vùng không thích hợp. Bởi lẽ, khi số vốn đầu tư bỏ ra cao nhưng năng suất, sản lượng thu về thấp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con lẫn sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.