Phập phồng với... chanh dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau bài báo “Khổ vì chanh dây… không trái” đăng trên báo Gia Lai Điện tử mới đây, một số hộ dân ở Mang Yang và Đak Đoa tiếp tục phản ánh về tình trạng nhiều vườn chanh đã bắt đầu bước sang thứ 6, thứ 7 và thậm chí đã là tháng thứ 8 nhưng số lượng trái rất ít, có vườn thì chanh cũng chỉ mới bắt đầu ra hoa, đậu trái lác đác.

Nhìn những vườn chanh dây sai trĩu quả và chuẩn bị thu hoạch của hàng xóm, một số người dân ở 2 huyện trên, trót trồng giống chanh dây mua từ một tỉnh phía Bắc, lòng như lửa đốt. Trong khi nhiều người dân trồng giống khác thì từ tháng thứ 4, vườn chanh dây bắt đầu ra hoa, bước sang tháng thứ 5 đã trĩu quả và chuẩn bị cho thu hoạch.

Kẻ khóc, người cười

Ông Đậu Trọng Song-tổ dân phố 4, thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) cho biết: Gần 200 gốc chanh dây ông mua giống từ một tỉnh phía Bắc về trồng tại thôn Linh Nham (xã Đak Djrăng) đã hơn 7 tháng nhưng mới chỉ có 2-3 cây có trái, nhưng trái có được cũng rất ít. Tận thu hết cả vườn chắc được… vài ký. Theo ông Song, vườn chanh dây này ông đã đầu tư hơn 60 triệu đồng tiền phân thuốc, cây giống (chưa tính công chăm sóc), ngoài những cây cho trái nói trên thì hầu hết những cây còn lại mới lác đác ra bông. Cách 3-4 mắc lá mới có được một bông, tỷ lệ đậu quả thấp. Mặc dù vườn chanh cho ít quả, nhưng ông vẫn phải tiếp tục chăm sóc. “Chắc chăm sóc thời gian nữa là phải có quả, ít hay nhiều thôi, chứ giờ mà phá bỏ thì cũng chết”-ông Song nói.

 

Ông Nã Duy Đán (thôn 3, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) than thở với P.V về việc vườn chanh dây đã qua 7 tháng nhưng chưa thu được quả nào. Ảnh: M.T
Ông Nã Duy Đán (thôn 3, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) than thở với P.V về việc vườn chanh dây đã qua 7 tháng nhưng chưa thu được quả nào. Ảnh: M.T


Tình trạng chanh dây ít quả cũng xuất hiện trên địa bàn huyện Đak Đoa. Cũng mua cùng loại cây giống trên, ông Nã Duy Đán (thôn 3, xã Hải Yang) cũng khẳng định: Vườn chanh dây 280 gốc của ông trồng tại thôn 1 (cùng xã) đã bước sang tháng thứ 7 nhưng vẫn chưa thu được quả nào. Tương tự, vườn chanh 110 gốc trồng ngay trước nhà đã hơn 8 tháng, phân thuốc được ông chăm bón liên tục, dây chanh thân to, khỏe đã khép tán gần kín giàn nhưng số lượng đậu trái cũng rất ít. “Có thu nhưng chỉ lẻ tẻ, chẳng ra gì. Trong khi vườn người khác 4-5 tháng đã thu được rất nhiều”-ông Đán than thở.

Khá hơn ông Đán đôi chút, vườn chanh dây hơn 5 sào của anh Lã Văn Tuân (thôn 3, xã Hải Yang) cũng mua giống chanh từ một tỉnh phía Bắc về trồng. Anh Tuân cho biết, khi mua cây giống, nơi cung cấp nói sao thì anh chỉ biết vậy, chất lượng như thế nào thì anh cũng không biết được. Hơn 6 tháng trồng, vườn chanh hơn 200 gốc mới bắt đầu cho quả. Tuy cây ra hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả thấp, cao nhất cũng chỉ tầm 20 quả/cây. “Hiện tại, mỗi ngày thu được khoảng 2 quả/cây, tính cả vườn 2 ngày chắc cũng thu tầm 5 kg đến 6 kg, trong khi đó 4 ngày phải bơm tưới 1 lần, không đủ tiền để mua dầu”-anh Tuân rầu rĩ.

 

 Anh Vũ Văn Nam hồ hởi khoe vườn chanh dây trĩu quả tại thôn 3, xã Hải Yang huyện Đak Đoa. Ảnh: M.T
Anh Vũ Văn Nam hồ hởi khoe vườn chanh dây trĩu quả tại thôn 3, xã Hải Yang huyện Đak Đoa. Ảnh: M.T

Trái ngược với hình ảnh này, cách đó không xa, vườn chanh dây của anh Vũ Văn Nam và Trần Văn Luận tại thôn 3 (xã Hải Yang) trồng giống Đài Loan mới hơn 5 tháng đã sai trĩu quả. Từng chùm quả chi chít có mặt khắp giàn. Nhiều nhánh chanh dây như tuột rơi khỏi chỗ bám bởi không chịu nổi bởi sức nặng và sự dày đặc của quả. Anh Nam hồ hởi cho biết, vườn chanh dây hơn 100 gốc được anh trồng từ tháng 9-2016 đến nay, khoảng 20 ngày nữa là bắt đầu thu rộ.

Chanh “không trái” khắp nơi

Ông Đỗ Xuân Tín-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Hải Yang, xác nhận: Trên địa bàn xã, tình trạng giống chanh dây năm 2016 đạt thấp so với năm 2015 chưa thống kê được. Ông Tín khẳng định, loại giống này ra hoa muộn và ít trái chứ không hoàn toàn không có trái. “Nếu giống Đài Loan chuẩn thì trồng đến tháng thứ 4, thứ 5 là trái phủ phê, nhưng giống chanh này phải đến 6 hoặc 7 tháng mới có quả, nhưng theo người dân phản ánh thì quả ít. Không riêng gì thôn 1 mà hầu như thôn nào cũng có tình trạng chanh dây ra quả muộn và ít quả”-ông Tín nói. Tính đến hết năm 2016, diện tính trồng chanh dây trên địa bàn xã đã hơn 146 ha.

 

Vườn chanh dây của ông Đỗ Văn Thủy (tổ 8, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang đã sang tháng thứ 6 nhưng rất khó để tìm thấy quả. Ảnh: M.T
Vườn chanh dây của ông Đỗ Văn Thủy (tổ 8, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang đã sang tháng thứ 6 nhưng rất khó để tìm thấy quả. Ảnh: M.T

Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, khẳng định: Đến thời điểm này, Phòng chưa nhận được phản ảnh nào của người dân về tình trạng trồng chanh dây không ra quả. Tuy nhiên, trong cuộc họp giao ban tháng trước (tháng 2-2017), cán bộ nông nghiệp xã Hải Yang có thông báo tình trạng một số ít hộ dân trồng giống chanh dây của một tỉnh phía Bắc cho rất ít trái, nhất là những hộ trồng mới năm 2016. Nói về nguồn gốc cây giống, ông Hùng cho biết người dân tự mua giống chanh dây theo kiểu “đụng đâu mua đó”, mua trôi nổi trên thị trường trong khi chất lượng cây giống chưa được kiểm định.

Theo ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), công tác quản lý giống chanh dây nói riêng, giống cây trồng nói chung được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm, chỉ đạo các địa phương nắm bắt, quản lý giống cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày. Hiện đơn vị đang tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các tiêu chí nhân giống, chọn giống cây, chọn vườn ươm, cây tiêu chuẩn, cây xuất vườn, quy trình công nhận vườn ươm…

“Sắp tới chúng tôi sẽ siết chặt lại việc quản lý nguồn gốc cây giống, sẽ không có việc cây giống kém chất lượng xuất hiện trên thị trường. Đây cũng là một trong những nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ công tác chọn giống đến các giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sản xuất, kinh doanh cây giống phải thực hiện đăng ký kinh doanh, có cơ sở vật chất, đầy đủ trình độ chuyên môn đúng quy định; nguồn gốc tài liệu nhân giống phải có xuất xứ và được cơ quan có thẩm quyền công nhận…”-ông Uyển khẳng định.

Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) khẳng định: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 công ty cung cấp giống chanh dây có qua khai báo với địa phương và cơ quan chuyên môn. Qua kiểm tra, các đơn vị trên có hồ sơ, giấy tờ đầy đủ, có giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc kiểm dịch thực vật… Đó là: Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ, Công ty TNHH một thành viên Nội thất Sê San Gia Lai, Công ty cổ phần Nông nghiệp Đông Phương (TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Hoàng Lâm Đồng (Lâm Đồng). Riêng Công ty Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhập giống về trồng chứ không bán ra thị trường. Trong phạm vi quản lý, Chi cục nắm được tổng số lượng cây giống qua kiểm soát của năm 2016 do 4 đơn vị trên cung cấp trên địa bàn tỉnh là gần 2,3 triệu cây; trong đó, các tháng đầu năm 2017 là hơn 255 ngàn cây.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.