Giải pháp tránh hạn trên cây lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau nhiều năm thiệt hại do thường xuyên thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân, 2 năm trở lại đây, người dân xã Ia Lâu, Ia Piơr (huyện Chư Prông) không chỉ “né” được hạn mà còn liên tiếp gặt hái thành công với năng suất lúa khá cao. Kết quả này là nhờ người dân thay đổi nhận thức sản xuất, cùng với những giải pháp điều tiết nước tưới hợp lý.

Cụm công trình thủy lợi đập dâng Ia Lâu, hồ chứa Plei Pai và đập dâng Ia Lốp do Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai quản lý phục vụ nước tưới 1.500 ha lúa nước 2 vụ tại 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr (huyện Chư Prông), cũng như cấp nước sinh hoạt cho người dân nơi này. Những năm trước, mỗi khi bước vào sản xuất Đông Xuân, khu vực này là rốn hạn. Điển hình như năm 2009, cánh đồng xã Ia Lâu mất trắng 300 ha lúa do thiếu nước tưới cuối vụ. Để hạn chế thiệt hại, trong 2 năm (2011-2012), Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai đã đào lạch từ hồ Plei Pai tiếp nước cho đập dâng Ia Lâu. Từ đó, cây lúa nước trên địa bàn xã có đủ nước tưới.

 

Kênh chính của đập dâng Ia Lâu.                                                   Ảnh: N.D
Kênh chính của đập dâng Ia Lâu. Ảnh: N.D

Ông Hà Văn Chẻ (thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu) cho hay: “Gia đình tôi làm 6 sào lúa nước. Trước đây, vào mùa khô, người dân thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới vào cuối vụ. 2 năm trở lại đây, sản xuất vụ Đông Xuân trên địa bàn xã đã thay đổi rõ rệt. Nhiều diện tích lúa nước không bị hạn và cho thu hoạch ổn định với năng suất 6-9 tạ/sào. Để có được kết quả này, Đảng ủy, UBND xã tổ chức họp dân, phổ biến lịch thời vụ gieo sạ cụ thể và trực tiếp đến các thôn, làng vận động người dân thực hiện. Cán bộ xã ra từng cánh đồng để điều tiết nước tưới phù hợp không để bị hạn. Khi có nước về kênh mương nội đồng, xã yêu cầu người dân phải ra ruộng của mình đón nước. Bên cạnh đó, Xí nghiệp Thủy nông Chư Prông (Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai) thường xuyên thông báo tình hình mực nước và kế hoạch đưa nước từ hồ đến từng cánh đồng cho bà con sản xuất”.
 

Ông Lương Văn Minh-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai cho biết: Bước vào sản xuất mỗi vụ Đông Xuân, Công ty phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và UBND xã họp bàn giải pháp “né” hạn cuối vụ. Trong đó có việc đẩy lịch thời vụ gieo sạ sớm hơn các vùng khác. Vì vậy, trong vụ Đông Xuân 2015-2016 xảy ra đợt hạn hán lịch sử nhưng công trình vẫn không bị thiếu nước. Hiện tại, Công ty đang đầu tư xây dựng thêm một tuyến kênh mới để tiếp nước tưới cho người dân 2 xã Ia Lâu, Ia Piơr sản xuất trong những năm tới.

Bà Võ Thị Hằng Nga-cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Ia Lâu cho biết: Vụ Đông Xuân năm nay, toàn xã gieo trồng 310 ha lúa nước. Đến thời điểm này, 13 thôn, làng trong xã đã thu hoạch 300 ha, năng suất bình quân 4-4,5 tạ/sào. Điều đáng mừng là 2 năm trở lại đây, bà con tuân thủ lịch thời vụ, cũng như lịch mở nước và điều tiết của Xí nghiệp Thủy nông Chư Prông. Ngay từ đầu vụ, UBND xã phối hợp với Xí nghiệp dự lường nguồn nước tưới cho 310 ha lúa đảm bảo không bị hạn cuối vụ. Đặc biệt, tất cả các cánh đồng đều xuống giống đồng loạt và sớm hơn những năm trước khoảng 20 ngày, với các giống chủ lực như: DV 108, OM 6979 và HT1… có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Nhờ đó, trong 2 năm trở lại đây, vụ Đông Xuân không chỉ “né” được hạn mà còn cho năng suất khá cao.

Không chỉ đập dâng Ia Lâu mà đập dâng Ia Lốp cũng không tránh được tình trạng thiếu nước vào cuối vụ. Các đập dâng không thể tích nước như các hồ chứa lớn nên việc tìm giải pháp không gì khác là vận động người dân sản xuất sớm. Về phần mình, việc chủ động điều tiết nước tưới từ hồ Plei Pai sang 2 công trình đập dâng này phục vụ nước tưới cho các cánh đồng đã được Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai thực hiện khá tốt, giảm tình trạng hạn cuối vụ.

Mùa khô đã đến và nhiều cánh đồng lúa nước ở các địa phương đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ. Tuy nhiên, nông dân xã Ia Lâu, Ia Piơr không phải bận tâm bởi họ đã gặt xong và chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.