Xây dựng thương hiệu từ cái tâm "sạch"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Về thôn 7-xã An Phú (TP. Pleiku), hỏi về thương hiệu rau sạch (trồng theo tiêu chuẩn VietGAP), ai ai cũng nói về vườn rau của ông Nguyễn Ngọc Hoàng (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất). Chính từ tâm niệm xây dựng thương hiệu từ cái tâm “sạch”, sản phẩm rau sạch của ông Hoàng đã có mặt khắp thị trường trong và ngoài tỉnh với doanh thu dự kiến 4 tỷ đồng/năm.

Khởi nghiệp bằng niềm tin

Nhận thấy vấn đề an toàn thực phẩm đang ngày càng “nóng”, năm 2012,với ý tưởng trồng rau sạch, ông Hoàng cùng hai người bạn góp vốn thành lập doanh nghiệp trồng rau sạch. Hơn 200 triệu đồng vốn đầu tư trên diện tích 1 ha đất, vườn rau xanh cũng dần hình thành. Tuy nhiên, thời gian đầu thị trường đầu ra cho sản phẩm rau sạch không mấy khả quan. Hầu như rau sạch rất khó tiêu thụ vì gặp vấn đề về giá cả.

 

Ông Hoàng ngày đêm cần mẫn với vườn rau. Ảnh: Mai Ka
Ông Hoàng ngày đêm cần mẫn với vườn rau. Ảnh: Mai Ka

Và rồi doanh thu cũng chỉ đủ tiền trả cho nhân công lao động, nguồn vốn sản xuất trở nên cạn kiệt. Hai người bạn của ông nản chí và bỏ cuộc. Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Hoàng vẫn thấy mình còn có cảm giác chênh vênh. Ông chia sẻ: “Sau khi chỉ còn lại một mình gồng gánh mọi việc, nhiều lúc cũng thấy mất phương hướng nhưng với bản tính của mình, đã quyết là phải làm cho bằng được. Rồi cứ tin trong lòng rằng, cứ cố gắng thì sẽ thành công”.

Năm 2014, ông tiếp tục vay vốn đầu tư 2.000m2 nhà lồng, mở rộng sản xuất cùng các công trình phụ như giếng khoan, đường đi nội bộ, béc tưới nước tự động. Ông Hoàng dành nhiều thời gian học hỏi cách thức chăm sóc từng loại rau, từ rau ăn lá truyền thống như cải xanh, mồng tơi, rau muống… đến các loại rau cao cấp như cải bó xôi, bắp sú trái tim, cà chua đen…; đồng thời, ông còn tìm đọc thêm tài liệu, sách, báo, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kĩ thuật, lớp tập huấn rau an toàn để có thêm kinh nghiệm, áp dụng cho việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap đạt hiệu quả cao.

 

Và, bằng chính niềm tin và tâm huyết ông Hoàng đã xây dựng được thương hiệu rau sạch cho Công ty TNHH một thành viên Hương Đất của mình. Hiện, Công ty ông trở thành nhà phân phối rau sạch cho hầu hết các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh cũng như các chợ vùng ven. Ước tính, mỗi ngày vườn rau của ông cung cấp cho thị trường khoảng 700 kg rau củ quả các loại. Sản lượng mỗi năm khoảng 200 tấn sản phẩm được xuất ra thị trường.
 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú thì sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP phải dựa trên 4 tiêu chí: kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn; các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của người nông dân; nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Lấy cái tâm để làm nên thương hiệu

Ghé thăm 3 ha đất đang phủ một màu xanh tươi mơn mởn của cải ngọt, rau dền, mồng tơi, cà chua... của ông Hoàng, mới thấy được hiệu quả thiết thực của việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap mang lại. Ông say sưa kể về quá trình sản xuất rau sạch của mình. Ông xem mỗi loại rau như chính những đứa con của mình để mà theo dõi, chăm sóc. “Mỗi loại rau mang một đặc điểm riêng, mình phải hiểu rõ chúng sinh trưởng như thế nào để có chế độ chăm sóc tốt nhất. Trồng rau an toàn không quá khó, muốn sản xuất được cần phải siêng năng, phải tuân thủ theo quy trình sản xuất, có sổ ghi chép lịch thời vụ hẳn hoi. Mọi thứ từ nhà lưới, giống cây trồng, phân bón đến đường ống dẫn nước tưới...đều phải làm đúng quy trình. Việc tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng rau, đảm bảo rau thu hoạch phải sạch, phải an toàn theo tiêu chuẩn VietGap thì mới đưa ra thị trường”- ông Hoàng cho biết.

 

Ngoài hệ thống béc tưới nước tự động, ông còn đầu tư thêm hệ thống làm mát để điều hòa nhiệt độ trong vườn.Ảnh: Mai Ka
Ngoài hệ thống béc tưới nước tự động, ông còn đầu tư thêm hệ thống làm mát để điều hòa nhiệt độ trong vườn. Ảnh: Mai Ka

Theo ông Hoàng, sản xuất rau an toàn theo VietGap thì nước tưới là một trong những tiêu chí quan trọng, đảm bảo cho rau phát triển tốt nhất. Vì vậy, nước tưới phải đảm bảo và được lấy từ những nguồn nước sạch. Ngoài hệ thống béc tưới nước tự động, ông còn đầu tư thêm hệ thống làm mát để điều hòa nhiệt độ trong vườn. Hiện nay sản phẩm rau sạch của Công ty đã bắt đầu thâm nhập một số thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế...Năm 2013, doanh thu của vườn rau thu về 3 tỷ đồng. Dự kiến năm 2016, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng.
 

Dù sản phẩm rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn giá rau thị trường 30% nhưng khách hàng vẫn vui vẻ đón nhận. Ảnh: Mai Ka.
Dù sản phẩm rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn giá rau thị trường 30% nhưng khách hàng vẫn vui vẻ đón nhận. Ảnh: Mai Ka.

Sau 5 năm xây dựng, thương hiệu rau sạch Hương Đất An Phú đã có chỗ đứng trên thị trường với trên 30 sản phẩm rau sạch. “Thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư 2.000 m2 trồng thủy canh. Công nghệ này sẽ cho năng suất cao và chất lượng cây đều, hàm lượng dinh dưỡng cao”- ông Nguyễn Ngọc Hoàng cho biết.

Mai Ka

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.