Đổ xô trồng cây sachi: Canh bạc mạo hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù chưa biết sau khi thu hoạch sẽ bán cho ai, nhưng thời gian qua, nhiều hộ dân tại huyện Đak Đoa và Mang Yang đã mạo hiểm đầu tư trồng cây sachi. Thậm chí, có hộ còn chặt bỏ vườn cà phê để trồng loại cây này.

Đổ xô trồng cây sachi

Theo các nguồn tư liệu, cây sachi (hay sacha inchi, peanut inca, inca inchi) là loài thực vật họ thầu dầu xuất xứ từ Nam Mỹ. Tại Việt Nam, sachi được quảng bá là “vua của các loại hạt”, “siêu thực phẩm mới”, “dầu ăn tốt nhất thế giới”… Axit Omega-3 chứa trong hạt sachi được cho là có 48%-54%, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên…

 

Anh Đinh bên vườn cây sachi đã cho trái.     Ảnh: L.V.N
Anh Đinh bên vườn cây sachi đã cho trái. Ảnh: L.V.N

Cây sachi được trồng khảo nghiệm tại Việt Nam từ năm 2014 với diện tích nhỏ ở các vùng miền núi với sự hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu khoa học cũng như công ty để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Còn tại Gia Lai, từ giữa năm 2016, nhiều hộ dân ở huyện Đak Đoa, Mang Yang sau khi nghe về giá trị của loài cây này đã trồng theo kiểu tự phát dù hoàn toàn mờ mịt về đầu ra.

Qua tìm hiểu của P.V, gia đình anh Kyim (23 tuổi, thôn TLeo, xã Kdang, huyện Đak Đoa) là một trong những hộ đầu tiên trồng cây sachi. Anh cho biết: “Mình nghe người quen ở Bình Phước bảo rằng giống cây này có hiệu quả kinh tế rất cao vì bên đó đã trồng thử rồi. Mình lên mạng tìm hiểu thêm  thông tin về giống cây này, sau đó nhờ người quen mua giùm hơn 2 kg giống với giá gần 1,5 triệu đồng về trồng”. Mua hạt giống về, gia đình anh Kyim tiến hành ươm và trồng xen canh trên hơn 1 ha cà phê từ tháng 5-2016. Đến nay, cây đã cho trái và 1 tháng tới có thể thu hoạch. Thế nhưng, khi được hỏi gia đình sẽ bán hạt cây này ở đâu thì anh Kyim lắc đầu: “Mình chỉ nghe nói hạt cây này có giá đến 600 ngàn đồng/kg. Với diện tích của nhà mình thì có thể cho đến hơn 1 tấn hạt, nhưng đến giờ vẫn chưa biết sẽ bán ở đâu cả”.
 
Ngoài gia đình anh Kyim, trên địa bàn xã Kdang và huyện Mang Yang cũng có nhiều hộ dân mạo hiểm thử nghiệm trồng loại cây này. Ông Trinh (thôn Bép, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) cho biết: “Tôi được một người bà con ở Đak Lak bảo cứ trồng loại cây này đi vì nó rất năng suất mà giá lại cao. Nghe vậy nên tôi đem loại cây này về trồng. Sau đó, nhiều bà con trong làng cũng hỏi mua rồi trồng theo. Đến giờ cũng có hàng chục hộ trồng loại cây này rồi”. Đa số các hộ dân trồng cây sachi chỉ bởi thấy người khác làm nên trồng theo. Ngoài ra còn do sachi có thể trồng xen canh với loài cây khác. “Tôi chỉ nghe hạt cây này bán giá cao nên mua về trồng chứ cũng không biết ai mua và họ mua làm gì. Nhà tôi cũng chỉ trồng vài chục cây, giờ cũng có quả rồi. Đến lúc thu hoạch xem họ bán ở đâu thì tôi bán ở đó. Nếu không bán được thì cũng không biết làm gì với loại cây này”-anh Brơc (xã Kdang) chia sẻ.

Đáng lo ngại

 

Chưa có cơ sở thu mua

Trao đổi với P.V, ông Lê Tuấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: “Hiện tại, Phòng vẫn chưa nhận được báo cáo về diện tích cũng như hiện trạng canh tác của cây sachi. Loài cây này mới du nhập, mà theo nắm bắt được thì trên địa bàn huyện cũng chưa có cơ sở nào thu mua cho bà con. Chúng tôi đang chờ chính quyền các xã báo cáo lại tình hình mới có hướng xử lý tiếp”.

Dù không biết rõ hiệu quả kinh tế cũng như đầu ra cho hạt sachi nhưng nhiều người vẫn ồ ạt trồng, thậm chí có hộ chặt bỏ vườn cà phê để thay thế bằng loại cây này như anh Đinh (trú tại thôn TLeo, xã Kdang). Cách đây vài tháng, anh Đinh đã chặt bỏ hơn 1 ha cà phê kinh doanh rồi dùng thân cây cà phê làm trụ leo cho sachi. Anh Đinh nói: “Cây sachi phát triển khá tốt và nếu cứ như thế này chắc sẽ thu được khoảng 2 kg hạt khô/cây, bán với giá 600 ngàn đồng/kg thì lời hơn trồng cà phê nhiều nên mình mạnh dạn bỏ cà phê thử. Nếu không hiệu quả thì phá sachi trồng cà phê lại. Biết là sẽ lỗ rất nhiều nếu không bán được sachi và cây cà phê trồng mới phải đến 3 năm sau mới thu hoạch được nhưng mình làm mình chịu”.   

Cũng theo các hộ dân, so với các loại cây đang trồng chủ yếu ở địa phương từ trước tới nay là cà phê và hồ tiêu thì cây sachi dễ chăm sóc hơn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư trồng loại cây này không phải là nhỏ. Theo anh Kyim, tính cả tiền giống, tiền phân, công chăm sóc thì 1 ha sachi phải đầu tư ngót nghét gần 50 triệu đồng. “Nếu không có người mua thì số tiền vốn bỏ ra sẽ mất trắng nhưng cứ thử xem thế nào. Nhà tôi trồng xen với cây cà phê nên nếu thấy cây nào hiệu quả hơn thì giữ lại, cây nào không hiệu quả thì chặt phá”-anh Kyim cho biết.

Trong khi đó, ông Trương Duy Lộc-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang cho biết: “Hiện chúng tôi mới nắm được thông tin về việc nhiều hộ dân trồng sachi trên địa bàn. Tới đây, chúng tôi sẽ cử cán bộ nông nghiệp thống kê lại diện tích cây này sau đó báo cáo với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để có phương án chỉ đạo phù hợp. Trước mắt, chúng tôi sẽ khuyến cáo người dân không nên chạy theo phong trào, mở rộng diện tích khi đầu ra chưa đảm bảo, tránh những thiệt hại đáng tiếc”.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.