Chư Pưh: Chuyển đổi cây trồng vùng hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đảm bảo cho sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017 an toàn, huyện Chư Pưh đã triển khai nhiều giải pháp như chuyển đổi cây trồng vùng hạn, giảm diện tích gieo trồng, đẩy lịch thời vụ lên sớm hơn mọi năm và kiên quyết không xuống giống tại những vùng thường xuyên bị hạn, thiếu nước tưới vào cuối vụ…

 Người dân làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân.
Người dân làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân.

Chư Pưh là một huyện thuần nông, cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà phê, cao su giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp. Song cây lúa cũng có vai trò quan trọng, góp phần ổn định an ninh lương thực, giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với việc thiếu hệ thống hồ chứa để tích trữ nước nên việc điều tiết nước tưới cho sản xuất, đặc biệt là đối với sản xuất lúa nước của huyện gặp nhiều khó khăn, khiến phần lớn diện tích lúa trên địa bàn huyện bị giảm năng suất hoặc mất trắng. Cụ thể, vụ Đông Xuân 2010-2011, diện tích lúa khô hạn là 426,7 ha, vụ Đông Xuân 2012-2013 khô hạn 120,85 ha, vụ Đông Xuân 2014-2015 khô hạn 475,38 ha, vụ Đông Xuân 2015-2016 gieo trồng được hơn 510 ha thì hơn 447 ha (hơn 87,6%) bị mất trắng, giảm năng suất.

Trước thực tế trên, huyện Chư Pưh đã xây dựng đề án chuyển đổi một số cây trồng cạn để thay thế cây lúa trên những diện tích không đảm bảo nước tưới trong vụ Đông Xuân hoặc sản xuất lúa không hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả sản xuất. Theo đó, đến năm 2020, toàn huyện sẽ chuyển đổi 200 ha vùng sản xuất lúa thường xuyên bị hạn trong vụ Đông Xuân sang trồng cỏ và bắp lấy thân để phục vụ phát triển chăn nuôi. Cụ thể: cánh đồng Ia Rong và Ia Blang (xã Ia Rong) 30 ha; cánh đồng Plei Đung, Plei Dư, Ia Pal và Ia Met (xã Ia Hrú) 30 ha; cánh đồng Tung Chrêch và Tung Đao (xã Ia Dreng) 20 ha; cánh đồng Plei Djriết, Plei Hai Dong I và II (thị trấn Nhơn Hòa) 35 ha; cánh đồng Plei Thơ Ga, Ia Chăm (xã Chư Don) 35 ha; cánh đồng Ia Yô 20 ha; cánh đồng Đập Ia Blứ 4 (xã Ia Le) 20 ha; cánh đồng Đông Xuân (xã Ia Blứ) 10 ha.

Theo phân tích của cơ quan chức năng huyện Chư Pưh, việc chuyển đổi vùng đất sản xuất lúa thường xuyên bị hạn sang trồng cỏ, bắp lấy thân gắn với phát triển chăn nuôi là hướng đi phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Trong đó, trồng cỏ để chăn nuôi bò thịt sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa. Hiện nay, năng suất cỏ trồng trung bình đạt 200-250 tấn/ha/năm, giá trị sản xuất ước đạt 90-120 triệu đồng/năm, trong khi đó giá trị sản xuất lúa nước 2 vụ hiện nay ước đạt 56 triệu đồng/ha/năm. Hay trồng bắp lấy thân cung cấp sản phẩm cho Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai... cũng bước đầu mang lại hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: Lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm và dự báo vụ Đông Xuân năm nay tiếp tục thiếu nước nghiêm trọng nên huyện đã chủ động giao kế hoạch cho các địa phương giảm khoảng 30% so với vụ trước, lịch thời vụ cũng được đẩy lên sớm hơn khoảng 15 ngày và dự kiến chuyển đổi khoảng 70 ha tại các vùng thường xuyên bị hạn sang trồng bắp lấy thân để tránh hạn. Cây trồng chuyển đổi phải gắn với thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa; phải phù hợp với trình độ canh tác của đại bộ phận người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Trong vụ Đông Xuân này, huyện tiếp tục hỗ trợ 75% chi phí giống cho nông dân thực hiện nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước sang trồng rau màu, cỏ, bắp lấy thân phục vụ phát triển chăn nuôi. Hiện người dân trên địa bàn đã xuống giống được hơn 60% diện tích và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xuống giống cho kịp lịch thời vụ, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng kế hoạch tưới, lịch tưới cụ thể cho từng cánh đồng, điều tiết nguồn nước tưới hợp lý cho từng loại cây trồng, tránh để xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước tưới giữa các loại cây trồng...

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.