Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Đak Jơ Ta

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến cuối năm 2015, xã Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí. Đây cũng là xã có số tiêu chí đạt thấp nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống giao thông nông thôn xã Đak Jơ Ta. Ảnh: N.D
Hệ thống giao thông nông thôn xã Đak Jơ Ta. Ảnh: N.D

Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM dù chưa có nhiều chuyển biến rõ nét song xã cũng có sự khởi sắc nhất định. Hệ thống giao thông nông thôn đi lại thuận lợi; trường học khang trang; các mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi được thực hiện giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nếu như năm 2011, xã chưa đạt tiêu chí nào, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, trường lớp học, trạm y tế còn tạm bợ… thì nay đã đạt được một số tiêu chí đáng khích lệ. Trong 5 năm (2011-2015), từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã đã thực hiện nhựa hóa và bê tông hóa được 6 km đường, làm 8,7 km kênh mương, xây dựng 6 phòng học, 2 nhà hiệu bộ, 1 phòng thực hành. Đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân toàn xã đạt khoảng 17,2 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, trên tổng thể, xã mới đạt 4 tiêu chí, gồm: quy hoạch, điện, an ninh trật tự và văn hóa. Theo nhìn nhận của Ban Quản lý xây dựng NTM xã, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là nguồn lực trong dân không có. Trên địa bàn xã không có doanh nghiệp đứng chân để cùng chung sức xây dựng NTM.

Ông Hoàng Văn Kham-Trưởng thôn 4 cho biết: “Thôn chúng tôi có 80 hộ dân, phần lớn còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ thiếu đất sản xuất phải đi làm thuê ở các xã lân cận. Tham gia xây dựng NTM, bà con chủ yếu đóng góp ngày công lao động để làm đường giao thông. Thôn thường xuyên tuyên truyền,vận động bà con tham gia hưởng ứng để chương trình sớm đạt kết quả”.

 

Đak Jơ Ta là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, chia tách từ xã Ayun vào năm 2006. Xuất phát điểm thấp hơn so với các xã khác, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn khi phần lớn người dân sản xuất lúa nước, mì, bắp; đất đai lại ít, kém màu mỡ, vì vậy nhiều hộ phải đi làm thuê ở những xã khác để mưu sinh.
 

Những tiêu chí khó hoàn thành của xã, theo ông Đinh Văn Trứ-Chủ tịch UBND xã cho biết là tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn  nghèo mới) còn cao, chiếm 45,08% với 284 hộ nghèo; hộ cận nghèo là 52 hộ; tiêu chí thu nhập và lao động có việc làm thường xuyên.

Cũng theo ông Trứ, trong thời gian tới, UBND xã sẽ tập trung vận động người dân chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp với thị trường; đầu tư thêm phòng học, nhà sinh hoạt cộng đồng, duy tu sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất... giúp bà con vươn lên thoát nghèo, phấn đấu xã đạt chuẩn NTM.

Ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang cho biết: Dù số tiêu chí đạt thấp so với các xã khác, song theo Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 3-2-2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định nội dung thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới áp dụng trên địa bàn tỉnh, xã Đak Jơ Ta có một số tiêu chí đã gần đạt. Riêng trong năm 2016, xã đã đạt thêm 3 tiêu chí là thủy lợi, hệ thống giao thông và môi trường, nâng tổng số tiêu chí đạt được là 7. Trong những năm tới đây, xã tiếp tục được đầu tư thì mỗi năm phấn đấu đạt từ 2 đến 3 tiêu chí.

Theo đề án xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, xã Đak Jơ Ta phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2020. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân hiểu được vai trò, ý nghĩa xây dựng NTM; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia chương trình; rà soát quy hoạch tổng thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… Tất cả nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.