Sẵn sàng nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo an cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối tháng 8 vừa qua, vốn tín dụng ưu đãi dành cho Chương trình 167 giai đoạn II đã được Trung ương phân bổ cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Theo đề án đã được phê duyệt, năm nay, Chi nhánh sẽ cho hộ nghèo vay vốn để xây dựng, sửa chữa hoặc nâng cấp 444 căn nhà với mức vay tối đa 25 triệu đồng/hộ.

Trong những năm qua, song song với việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ nhà ở của Chính phủ như: Chương trình 134, Chương trình 167, Quyết định số 22/2013/QĐ-CP về hỗ trợ người có công với cách mạng, tỉnh Gia Lai đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay góp sức xây dựng nhà tình nghĩa giúp người nghèo ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp. Các hoạt động chia sẻ tương trợ xã hội đã thực sự khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

 

Hộ nghèo sẽ được vay vốn ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở. Ảnh: Đức Thụy
Hộ nghèo sẽ được vay vốn ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở. Ảnh: Đức Thụy

Qua khảo sát, đánh giá thực trạng nhà ở của hộ nghèo trên địa bàn cho thấy, năm 2015, toàn tỉnh có 36.951 hộ nghèo, chiếm 11,36%/tổng số hộ. Trong đó, số hộ khó khăn về nhà ở, không đủ khả năng để tự cải thiện nhà ở chiếm hơn 10%/tổng số hộ nghèo. Đối tượng này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ đang sinh sống tại thôn, làng đặc biệt khó khăn nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng không thuận lợi về giao thông; nhà ở chủ yếu xây dựng bằng tranh tre, nứa lá, mái tôn nền đất rất tạm bợ; diện tích nhà rất nhỏ nên không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt; thậm chí bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ khi nào và gần như không chống chọi được khi mưa bão, gió lốc xảy ra, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và tài sản của người dân.
 

- Đối tượng ưu tiên hỗ trợ nhà ở là các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật), là đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, đang sinh sống tại các thôn làng đặc biệt khó khăn, các vùng khó khăn, các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a của Chính phủ...

- Nguồn vốn thực hiện đề án bao gồm: Vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 110,95 tỷ đồng; dự kiến vốn huy động tại địa phương từ Quỹ Vì người nghèo 15 tỷ đồng; dự kiến vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và của chính hộ gia đình và các nguồn vốn khác 140,33 tỷ đồng...

Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 167 giai đoạn II), UBND tỉnh đã phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020. Mục tiêu của đề án là hỗ trợ nhà ở cho 4.438 hộ nghèo khu vực nông thôn đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống và góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Là một nguồn lực quan trọng hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, Ngân hàng Chính sách Xã hội (VBSP)-Chi nhánh tỉnh đã có kế hoạch phân bổ vốn và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của hộ vay theo đề án. Ở giai đoạn II của Chương trình 167, hộ gia đình được vay tối đa 25 triệu đồng, lãi suất 3%/năm, thời hạn vay 15 năm, thời hạn trả nợ tối đa 10 năm. Ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc VBSP tỉnh cho biết: Với thời gian cho vay lên đến 15 năm, đồng nghĩa với điều kiện trả nợ được kéo giãn ra, hộ vay có 5 năm đầu được hưởng ân hạn và bắt đầu trả nợ từ năm thứ 6, mức trả mỗi năm tối thiểu là 10%/tổng vốn vay. Việc giải ngân vốn được thực hiện dựa trên xác nhận của UBND cấp xã về tiến độ xây dựng nhà ở. Ngân hàng sẽ giải ngân 100% vốn vay đối với hộ gia đình thực hiện xây mới nhà ở sau khi hoàn thành phần móng; còn với hộ gia đình sửa chữa, cải tạo thì sẽ giải ngân sau khi hoàn thành 30% khối lượng công việc.

Theo nội dung đề án, nhà ở Chương trình 167 giai đoạn II có diện tích sử dụng tối thiểu 32,5 m2 phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đối với những hộ độc thân không nơi nương tựa thì có thể xây dựng diện tích nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 24 m2. Chất lượng nhà phải đảm bảo 3 cứng: Nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng và tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên. Như vậy, để có được nhà ở an toàn đảm bảo cho hộ nghèo thì bên cạnh nguồn vốn vay ưu đãi từ VBSP, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các hội-đoàn thể cũng như nguồn lực tự thân của chính gia đình.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.