Tây Nguyên: Nông dân ồ ạt trồng cây đinh lăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, cây đinh lăng có giá bán rất cao. Đặc biệt, những củ đinh lăng lâu năm giá bán lên đến hàng triệu đồng mỗi kg. Chính vì vậy, nhiều nông dân ở Tây Nguyên đang đổ xô mua giống về trồng với giấc mơ “hốt bạc”.

“Sốt” giống đinh lăng

Như thường lệ, bước vào mùa mưa, nhiều nông dân trong khu vực Tây Nguyên tìm về các trung tâm cây giống tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (gần Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm Tây Nguyên) để mua các loại cây giống như cà phê, hồ tiêu, ca cao, bơ… để trồng cho kịp thời vụ. Khác với mọi năm, năm nay những loại cây trồng trên có vẻ ế ẩm, trong khi đó giống cây đinh lăng đang tỏ ra bán đắt hàng. Đây là loại cây trồng đang “mốt” được nhiều người ưa chuộng.

 

Nhiều nông dân đua nhau trồng đinh lăng.       Ảnh: B.T
Nhiều nông dân đua nhau trồng đinh lăng. Ảnh: B.T

Trong vai người đi mua giống đinh lăng, chúng tôi có mặt tại khu vực trung tâm cây giống xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột. Nhìn thấy chúng tôi, cô nhân viên bán cây giống đon đả: “Đinh lăng lá nhỏ đấy anh ạ! Trồng khoảng 3-5 năm đã cho thu hoạch rồi… Nhà em trồng 100 cây cách đây 3 năm, giờ người ta đã trả mỗi cây gần cả triệu đồng đấy. Giống đinh lăng này bán chạy lắm, ngày nào cũng có tới vài chục người tới mua với số lượng lớn. Anh không mua nhanh mai mốt là hết giống, muốn mua cũng chẳng còn đâu”.

Hiện nay, nhiều người đổ xô đi mua giống đinh lăng nên hầu hết các cơ sở cây giống đều đầu tư ươm giống và bán với giá cao hơn hẳn so với trước đây 2-3 lần, trung bình mỗi cây đinh lăng giống được bán với giá 8-12 ngàn đồng.

Canh bạc…

Theo những người bán cây giống tại TP. Buôn Ma Thuột, một sào đinh lăng có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đó cũng là lý do khiến nhiều hộ dân ở các tỉnh Tây Nguyên sẵn sàng phá bỏ cây cà phê, cao su già cỗi để trồng đinh lăng với giấc mơ sau này sẽ “hốt bạc” khi thu hoạch. Không chỉ trồng phân tán trong vườn nhà, xen canh trong rẫy… nhiều nông dân còn chặt bỏ cả cây công nghiệp để đầu tư riêng cho loại cây trồng này.

 

Đinh lăng hay cây gỏi cá, nam dương sâm (danh pháp hai phần: Polyscias fruticosa, đồng nghĩa: Panax fruticosum, Panax fruticosus) là một loài cây nhỏ thuộc chi đinh lăng (Polyscias) của họ cuồng cuồng (Araliaceae). Cây được trồng làm cảnh hay làm thuốc trong y học cổ truyền. Theo y học cổ truyền, rễ cây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết; lá đinh lăng có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ. Toàn cây đinh lăng bao gồm rễ, thân, lá đều có thể sử dụng làm thuốc với nhiều công dụng và bài thuốc khác nhau.
 

Anh Nguyễn Văn Thanh (trú tại phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Nhà mình có hơn 7 sào trồng cà phê xen lẫn sầu riêng. Nghe mọi người kháo nhau rằng đinh lăng có giá trị kinh tế cao nên mình mua trồng thử, biết đâu sau này kiếm được món tiền kha khá. Nếu không bán được thì cũng dùng vào việc khác, bởi đây là cây dược liệu…”.

Hiện tại, đinh lăng đang sốt giá nên nông dân ở khắp vùng Tây Nguyên bắt đầu mở rộng diện tích trồng. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì cũng giống như các cây trồng khác, khi thấy có giá bà con đổ xô vào trồng, đến khi thu hoạch, giá sẽ xuống thảm hại. Trong khi đó, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, trồng cây gì cũng nên chủ động được đầu ra hoặc ký được hợp đồng với đơn vị thu mua. Nếu đầu ra đảm bảo, bà con mới mở rộng diện tích gieo trồng, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Đinh lăng hiện là một trong những cây dược liệu tốt. Tuy nhiên, bà con nông dân cần cân nhắc kỹ lưỡng khi mở rộng diện tích. Bởi lẽ, đầu ra thế nào vẫn chưa biết cụ thể. Việc phá bỏ diện tích cây trồng hiện có sẽ mất đi sản lượng hàng năm, làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống trước mắt của các gia đình. Hơn nữa, việc trồng loại cây mà mất nhiều năm mới biết kết quả là điều phải cân nhắc kỹ lưỡng, không nên quyết định vội vàng.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.