"Bà đỡ" của phụ nữ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với phương thức cho vay tín chấp, chia nhỏ trả dần gốc và lãi hàng tháng, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai) đã thực sự trở thành “bà đỡ” của nhiều gia đình hội viên phụ nữ nghèo khi giúp họ tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất kịp thời vụ.     

Cũng như các đơn vị tham gia Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (IFAD), Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh được Dự án tài trợ 15 tỷ đồng để giúp hội viên phụ nữ tại 26 xã của 5 huyện được hưởng lợi từ Dự án thông qua hình thức tiết kiệm-vay vốn. Hoạt động của Quỹ là giúp hội viên phụ nữ có thu nhập thấp được tiếp cận vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập nâng cao đời sống; đảm bảo số vốn vay được đầu tư đúng đối tượng, hộ vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

 

Nhiều hội viên phụ nữ đã tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất.
Nhiều hội viên phụ nữ đã tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất.

Tính đến nay, doanh số cho vay của Quỹ đạt 18,779 tỷ đồng, tăng 37,11% so với năm 2015, tập trung chủ yếu vào mục đích trồng trọt và chăn nuôi; doanh số thu nợ đạt 4,092 tỷ đồng, trong đó thu gốc  3,062 tỷ đồng, thu lãi 1,03 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt trên 15,716 tỷ đồng… Đã có 138 tổ tiết kiệm-vay vốn với 1.455 thành viên được vay vốn… Nhiều hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp được tiếp cận vốn để đầu tư sản xuất. Đặc biệt, 100% khách hàng tham gia bảo hiểm sinh mạng trong thời gian vay vốn của Quỹ. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ thực hiện Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn mời các chuyên gia tập huấn về tài chính vi mô cho 50 chị em là cán bộ Quỹ, Hội và nhóm trưởng tiết kiệm-vay vốn; tuyên truyền và áp dụng sản phẩm của Quỹ…

Anh Hmin (nhóm trưởng vay vốn làng Alroh, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) vui vẻ cho hay: Nhóm chúng tôi có 16 thành viên sản xuất nông nghiệp. Trước đây, muốn tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất nông nghiệp kịp thời vụ, bà con gặp nhiều khó khăn. Năm 2014, khi thành lập nhóm chuyên trồng cà phê, hồ tiêu, lúa nước và bắp, nhóm được Quỹ Hỗ trợ phụ nữ tỉnh cho vay mỗi hộ 8 triệu đồng. Phương thức thanh toán rất tiện lợi và phù hợp với bà con, tới tháng các thành viên trong nhóm nộp tiền lãi và tiền tiết kiệm. Hàng tháng, nhóm tổ chức họp để trao đổi, học tập kinh nghiệm và phổ biến những kiến thức về sản xuất nông nghiệp cho các thành viên học tập áp dụng. Năm 2015, nhóm tiếp tục vay 192 triệu đồng chia đều mỗi hộ 12 triệu đồng. Tới nay, các thành viên trong nhóm đều đã trả xong cả lãi lẫn gốc. Mặc dù số tiền vay ít nhưng rất có ý nghĩa và phát huy hiệu quả tốt khi khắc phục được tình trạng đi vay ở các hàng, quán trong làng. Hàng tháng, mỗi thành viên trả chỉ 120 ngàn đồng và đóng thêm 20 ngàn đồng vào quỹ của nhóm sau đó nhóm bình xét và lựa chọn thành viên nào còn khó khăn thì cho mượn trở lại. Nhờ đó, một số thành viên trong nhóm đã vươn lên thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Hương-Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai, cho biết: Từ khi Quỹ đi vào hoạt động, hội viên phụ nữ rất phấn khởi khi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Khác với hoạt động cho vay của ngân hàng, Quỹ đã chia gốc trả dần theo phân kỳ để giúp hội viên phụ nữ tiết kiệm trả dần hàng tháng, cuối kỳ vay không phải trả một lần. Bên cạnh đó, khi tham gia Quỹ phải tiết kiệm trả nợ dần và vay không thế chấp, chủ yếu bằng hình thức tín chấp thông qua các nhóm đứng ra bảo lãnh. Đây là hình thức tiếp cận tài chính nông thôn mới giúp hội viên tiếp cận và vay vốn đầu tư sản xuất kịp thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp hội viên thoát nghèo bền vững.

Thông qua nguồn vốn tài trợ từ Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh đang trở thành cầu nối giúp nhiều hộ nông dân vùng sâu, vùng xa từng bước tiếp cận nguồn tài chính bằng cách tích quỹ các tài sản nhỏ để tạo nên món lớn. Đây chính là một trong những mục đích lớn mà Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn mang lại.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.