Đức Cơ phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được ví như “cánh tay nối dài” của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Đức Cơ (Gia Lai), các tổ tiết kiệm và vay vốn đã trở thành cầu nối đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo, đối tượng chính sách. Qua đó, nhiều hộ đã có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Điểm sáng quản lý vốn vay
Những năm qua, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn làng Ngole 2 (xã Ia Krêl) luôn quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi. Theo Tổ trưởng Rơ Mah HLong, tổ có 28 hộ tham gia vay vốn với dư nợ 928 triệu đồng. Để quản lý tốt vốn vay, trong các buổi sinh hoạt, chị HLong thường xuyên thông báo các chính sách, quy định khi vay vốn ưu đãi đến tổ viên; đồng thời, vận động tổ viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiết kiệm chi tiêu để trả nợ. Nhờ đó, các tổ viên không những có ý thức nộp tiền gốc, lãi đúng hạn và đóng tiền tiết kiệm đều đặn mà còn giúp nhau về ngày công, kinh nghiệm sản xuất. Đến nay, trong tổ đã có 6 hộ thoát nghèo và nhiều hộ có thu nhập khá. Bà Siu Loan (làng Ngole 2) chia sẻ: “Gia đình tôi có 1 ha cà phê. Những năm trước, vì thiếu tiền mua phân bón nên cà phê phát triển kém, năng suất chỉ đạt 9-10 tấn quả tươi. Năm 2015, nhờ được vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, tôi đầu tư phân bón nên vườn cà phê phát triển tốt hơn, năng suất đạt hơn 15 tấn quả tươi/năm. Từ đó, mỗi năm, gia đình thu ít nhất 120 triệu đồng”.  
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ hướng dẫn các tổ quản lý vốn vay. Ảnh: H.T
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ hướng dẫn các tổ quản lý vốn vay. Ảnh: Hồng Thương
Trong khi đó, dù có dư nợ lớn (gần 1,54 tỷ đồng của 52 hộ vay) nhưng nhiều năm qua, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn làng Ngole 1 (xã Ia Krêl) cũng không để xảy ra nợ quá hạn, không lãi tồn; tất cả tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, số dư tiết kiệm đạt trên 80 triệu đồng (trung bình 1,54 triệu đồng/hộ). Riêng cuối năm 2017 đã có 7 hộ thoát nghèo. Để đạt được kết quả này, trước mỗi đợt giải ngân, tổ luôn họp bình xét công khai, hướng dẫn các hộ vay làm thủ tục đúng quy định. Bên cạnh đó, tổ cũng tìm hiểu hoàn cảnh để hướng dẫn các thành viên sử dụng vốn phù hợp. Do đó, các nguồn vốn đều được sử dụng hiệu quả. Bà Siu BDôn-hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi-cho biết, trước đây, gia đình bà sống nhờ vào tiền làm thuê nên rất khó khăn. Từ năm 2009 đến năm 2014, sau 2 lần được vay 45 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư chăn nuôi bò, cuộc sống gia đình bà trở nên khá giả. “Hai lần vay tiền, tôi mua được 4 con bò để nuôi. Đến nay, đàn bò phát triển lên 11 con. Sau khi bán 5 con được 50 triệu đồng, gia đình đã trả hết các khoản nợ và đầu tư trồng được 500 cây cà phê. Năm ngoái, vườn cà phê của gia đình cũng đã cho thu bói được 6 triệu đồng”-bà BDôn phấn khởi chia sẻ.
Phát huy hiệu quả tổ tiết kiệm và vay vốn
Theo ông Đào Công Á-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đức Cơ, trên địa bàn huyện có 174 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho 7.648 hộ vay với dư nợ trên 264 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ cũng đã huy động 7.845 hộ gửi tiết kiệm gần 13,7 tỷ đồng (bình quân 1,7 triệu đồng/hộ). Qua bình xét, có 156 tổ được xếp loại tốt, 18 tổ khá, không có tổ trung bình và yếu kém. Đặc biệt, ngoài hoạt động đúng quy định như nộp gốc, lãi đúng hạn, gửi tiết kiệm đều, tỷ lệ nợ quá hạn thấp (chỉ chiếm 0,11% dư nợ), không để xảy ra tình trạng vay ké, xâm tiêu, các tổ còn vận động thành viên tương trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các tổ viên sử dụng vốn vay hiệu quả và nhiều hộ đã có thu nhập ổn định. Riêng năm 2017, có 598 hộ được vay vốn thoát nghèo.
Cũng theo ông Á, để đạt được kết quả trên, ngoài cho vay theo phương thức chủ yếu là ủy thác thông qua các đoàn thể để người nghèo, các đối tượng chính sách dễ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hàng tháng, Phòng Giao dịch cũng tích cực phối hợp với thành viên Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện, các đoàn thể được ủy thác cho vay về tận cơ sở tổ chức các buổi tuyên truyền chế độ, chính sách về tín dụng ưu đãi; phổ biến quy chế cho vay và nguyên tắc hoạt động của Ngân hàng để hộ vay vốn chấp hành các quy định nộp gốc, lãi cũng như có ý thức tiết kiệm trả nợ. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, giám sát việc quản lý vốn vay của các tổ cũng như việc sử dụng nguồn vốn của các tổ viên để đảm bảo chất lượng nguồn tín dụng…
Ông Đào Công Á-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đức Cơ: “Thời gian tới, Phòng Giao dịch sẽ tiếp tục có hình thức biểu dương các tổ quản lý vốn vay tốt cũng như khen thưởng các tổ trưởng làm tốt công tác quản lý, huy động vốn. Qua đó, tiếp tục đưa nguồn vốn đến với người nghèo, đặc biệt là người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm: Tất cả các hộ có nhu cầu vay vốn đúng đối tượng đều được xét duyệt cho vay, không để ai thiếu vốn dẫn đến phải vay nặng lãi bên ngoài”.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.